Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

Hoa nở vườn tâm

Khi một người sắp thoát mê, đạt ngộ thì bị nghiệp vô minh hay xuất hiện như một thử thách quyết tử cuối cùng để rồi bị chế ngự hoàn toàn bởi định lực và trí tuệ. Hàng phục ma quân trong ý nghĩa Đức Phật thành đạo là sự vượt qua mọi thử thách nội tâm để tiến đến tự chủ an lạc tuyệt đối. Tinh thành giác ngộ mà Đức Phật đã đem lại cho chúng ta là tinh thần hòa hợp bất nhị: không hận thù, không nhân, ngã, không bỉ, thử. Cuộc sống được tồn tại và phát triển trên nguyên lý duyên khởi: “Một là tất cả, tất cả là một, cái này sanh cái kia sanh, cái này diệt cái kia diệt.”

Đạo Phật là đạo trí tuệ, là nguồn sống, là sức mạnh nội tâm. Giáo pháp Đức Phật có khả năng đưa con người trở về chánh đạo, chuyển mê thành ngộ, chuyển đau khổ thành an lạc giải thoát.
Khi một bông sen xuất hiện, hoa và quả đồng có, trong khi các hoa khác phải trải qua một thời gian mới cho quả và hạt. Cũng như thế, khi một người sinh ra đồng thời Phật tánh cũng xuất hiện, rồi do nhân duyên trợ lực dần dần Phật tánh hiện ra. Đến một lúc nào đó, nhân duyên hội đủ Phật tánh hiển bày trọn vẹn, chính là lúc ta thấy được chân tâm, ngộ được kiến tánh.
Ta từ nhân duyên nghiệp lực mà đến, và cũng do nhân duyên nghiệp lực mà đi. Duyên tụ ta đến, duyên tan ta đi, nghiệp lực dẫn dắt ta đi đầu thai, nghĩa là chính ta sinh ra ta chứ không ai khác.
Đức Phật dạy: “Chính ta là người thừa kế sản nghiệp mà ta đã tạo nên và chủ nhân của đời mình”.

Tâm và cảnh vốn có những tương quan không thể chia cắt. Ngoại cảnh hay làm dao động lòng người và lòng người hay nhân cách hóa ngoại cảnh. Một khi vườn xanh tươi chan hòa hương sắc sẽ làm lòng ta nhẹ nhàng tươi vui. Một căn phòng rộng mở thoáng mát làm cho ta cảm giác thích thú yêu đời. Cũng thế, với một trạng thái nội tâm an lạc buông xả, ta sẽ nhìn đời bằng con mắt tràn đầy yêu thương chân thành tha thiết.

Nếu có một căn phòng rộng rãi, thoáng mát thì căn phòng đó phải là tâm hồn ta, là bầu trời nguyên thủy trong ta. Hãy mở toang cánh cửa để sóng yêu thương tràn ngập cõi lòng, để ánh sáng xua tan bóng tối, để ngày mai ươm mộng từ hôm nay.

Muốn có hạnh phúc nội tâm, ta phải biết rõ bản chất của cuộc đời và cần phải có nghệ thuật sống. Chất vị của thế gian gồm đắng và ngọt. Trí tuệ là khả năng biến vị đắng thành vị ngọt chứ không phải gạt bỏ đắng để tìm ngọt. Cũng như thế, trên đường tìm về giải thoát, ta chuyển vô minh thành giác ngộ chứ không có giác ngộ ngoài vô minh.

Để đạt được hạnh phúc chân thật, ta phải có năng lực nhận thức đúng đắn về cuộc sống. Năng lực đó chính là trí tuệ. Có trí tuệ ta mới phá vỡ được thành trì vô minh cố chấp. Trí tuệ là mặt trăng soi đường trong đêm tối, là phao cứu hộ giữa biển đời chìm đắm. Có trí tuệ thì cuộc đời là đại dương, không trí tuệ thì cuộc sống là ao tù.

Có người học Phật để cầu làm Phật. Còn tôi, tôi học Phật chỉ với ý hướng làm người, một con người hoàn thiện. Đức Phật ra đời vì chúng ta, cho nên ta hãy thương ta và lo chăm sóc cẩn thận từng ý nghĩ, từng hành động. Đó là Phật tâm.

Phật là ánh sáng, là con đường đem lại sự sống. Ta phải nổ lực tu tập để luôn luôn được tỉnh giác trong ánh sáng. Chỉ có sự tỉnh giác mới tiếp nhận được ánh sáng của Phật. Người thiếu tỉnh giác, ánh sáng kia chỉ là bóng đen.

Phật là tình thương là sự sống. Người biết sống cho người khác, biết vì người khác, biết an lạc cho người khác, đó chính là Phật.

Khi tham vọng điên đảo còn ngự trị, còn len lỏi trong lòng ta, thì lúc ấy ta không có Phật, Phật không ở trong ta.

Đức Phật dạy: “Như từ nhiều bông hoa ta có thể kết thành nhiều tràng hoa. Cũng thế, từ con người hoàn thiện, ta có thể tạo nên nhiều phước báo thù thắng tối thượng”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét