Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

Yếu Chỉ Tham Thiền

A. Điều kiện tiên quyết của tham thiền

Mục đích của tham thiền là để minh tâm kiến tánh, tựu trung nhằm dứt bỏ vọng niệm ô nhiễm trong tự tâm, thấy chắc thực mặt mủi của tự tánh. Ô nhiễm là những phần vọng tưởng, chấp trước, tự tánh là phần đức tướng, trí huệ của Như lai. Trí huệ đức tướng này, chư Phật và chúng sanh đều có đủ, không hai không khác. Nếu xa lìa hết vọng tưởng chấp trước, liền tự chứng được trí huệ, đức tướng Như lai của chính mình, đó là Phật, ngược lại chấp trước, vọng tưởng là chúng sanh. Chúng ta, từ vô lượng kiếp đến nay, mê đắm sanh tử, ô nhiểm nhiều đời, nên không thể tức khắc thoát ly vọng tưởng, thấy được bổn tánh. Do đó, cần yếu phải tham thiền, vì điều kiện tiên quyết của tham thiền là trừ vọng tưởng.

Phương pháp trừ vọng tưởng, đức Thích Ca Mâu Ni nói rất nhiều. Phương pháp đơn giản nhất là: "Hét tức Bồ Đề". Chữ hét trong Thiền tôn do Tổ sư Đạt Ma truyền sang Đông độ. Đến Lục Tổ Huệ Năng về sau, Thiền tôn truyền bá rộng rãi, vang tiếng mẫu mực xưa nay. Tổ Đạt Ma và Tổ Huệ Năng khai thị cho người học rất nhiều không ngoài câu bỏ hết các duyên, đừng sanh một niệm. Đây là điều kiện tiên quyết cho người muốn học tham thiền. Nếu không làm được đúng mức câu dạy trên, người tham thiền không thể thành công. Người muốn vào cổng Thiền, không dứt bỏ các duyên, mỗi niệm sanh diệt, dù có nói hay luận giỏi cũng chỉ là nói suông mà thôi, chẳng có lợi ích gì!

Bỏ hết các duyên, đừng sanh một niệm, là điều kiện chủ yếu của tham thiền, ai cũng đều biết, nhưng ít ai có thể đến địa vị ấy được, vì đừng sanh một niệm là thẳng đến vô sanh, mau thành chánh giác, không chấp sai lầm, hiểu rõ lý sự, biết tự tánh xưa nay vốn thanh tịnh, sanh tử bồ đề, phiền não niết bàn đều là tên giả, vốn không can hệ gì với tự tánh. Mọi sự vật đều là bóng bọt trong mộng. Thân tứ đại của ta và núi sông, quả đất ở trong tự tánh chúng ta, không khác gì hòn bọt nhỏ trên bể cả, dù nổi dù chìm cũng không ngại gì với bản thể. Chúng ta đừng chạy theo tất cả những điều sinh, trụ, dị, diệt mà khởi ra lòng ưa chán, lấy bỏ, dẹp hết ý nghĩ về thân, tưởng mình như người đã chết, tự nhiên căn trần, thức tâm tự nhiên tiêu diệt, các nghiệp tham sân si ái cũng hết. Những cái xẩy ra về thân như đau khổ, đói lạnh, no ấm, vinh nhục, sống chết, họa phước, tốt xấu, khen chê, được mất, an nguy, hiểm bình, tất cả đều dẹp bỏ ra ngoài, vĩnh viễn buông bỏ, gọi là "bỏ hết các duyên". Nếu “bỏ hết các duyên” rồi thì vọng tưởng tự tiêu, tâm phân biệt không khởi lai chấp trước, xa lìa đến bậc ấy thì "không còn sanh một niệm", ánh sáng tự tánh toàn thể hiện bày. Đến đây, điều kiện tham thiền đã đủ rồi, liền dùng công phu chơn tham, thiệt cứu, chắc chắn có phần minh tâm kiến tánh.

Gần đây có nhiều thiền sinh thường ưa vấn thoại. Thực ra, pháp vốn không pháp, lạc vào ngôn từ đều không phải là nghĩa thực, vì tâm này xưa nay vốn là Phật, không có việc gì khác. Nếu mọi người nói tu, nói chứng, đều là lời của Ma nói. Tổ Đạt Ma đến Đông độ đã "chỉ thẳng lòng người, thấy tánh thành Phật". Chỉ bày thực rõ ràng, tất cả chúng sanh ở trong đại địa này đều là Phật. Thẳng đó nhận được tự tánh thanh tịnh này, tùy thuận không ô nhiểm, trong 24 giờ đi đứng ngồi nằm, tâm đều không có gì khác (không chạy theo vọng tưởng) chính lúc ấy là lúc thành Phật, không cần dùng tâm, dùng sức, cũng không cần có làm, không làm, không cần mảy may nói chuyện, suy nghĩ. Vì thế, thành Phật là một điều rất dễ dàng, rất tự tại, tất cả đều do ta muốn thành Phật hay không mà thôi, không cần nhờ ai ở bên ngoài giúp đỡ cả. Nếu chúng ta không muốn nhiều kiếp trầm luân trong bốn loài, sáu nẽo, chịu khổ mà muốn thành Phật, chỉ cần tin chắc lời Phật tổ, bỏ hết các duyên thiện ác, đừng suy nghĩ tới, vì thế có thể lập địa thành Phật, vì chư Phật, Bồ Tát và lịch đại Tổ Sư, phát nguyện độ hết tất cả chúng sanh, sao chúng ta không phát đại nguyện một đời thành Phật!

Từ trước đã nói, pháp Phật như thế, trong kinh Phật và Tổ đã hết lòng căn dặn, lời vàng chơn thiệt, không chút dối trá. Vì tất cả chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay mê đắm sinh tử, sanh lên lộn xuống, sống chết không thôi, mê hoặc điên đảo, bỏ giác theo trần, giống như vàng ròng pha lẫn bùn cát, nên không thể dùng được, vì bị nhiều ô uế pha lẫn. Đức Phật vì lòng đại bi, bất đắc dĩ nói ra 8 vạn 4 ngàn pháp môn, tùy theo căn khí chẳng đồng của chúng sanh dùng để đối trị với tham sân si ái, 8 vạn 4 ngàn tập khí bệnh tật, như vàng lộn với các thứ bùn than dơ bẩn, nên dạy dùng nước, dùng vải, dùng hóa chất để phân chất lọc thành vàng y. Pháp của Phật nói ra đều là Diệu Pháp, đều có thể dùng tu hành thoát ly sanh tử, thẳng đến thành Phật. Chỉ có người truyền bá Diệu Pháp có hợp cơ, hay không hợp cơ, vì thế đừng chia pháp môn này cao, pháp môn kia thấp. Ở Trung Quốc truyền nhiều pháp môn, nhưng có bốn pháp môn phổ thông nhất là Thiền, Giáo, Tịnh, Mật. Các pháp môn đều thâm diệu, tùy theo người học hợp với căn tánh và hứng thú mà thực hành một pháp môn, đều có thể thành tựu Phật đạo. Điểm cốt yếu là ở trong một pháp môn, thâm nhập không thay đổi, sẽ được thành tựu.

Trong Thiền tông chủ yếu là tham thiền, tham thiền chủ yếu được "minh tâm kiến tánh", là muốn tham cứu thấu suốt bản lai diện mục của chính mình. Sở dĩ nói pháp môn ngộ rõ tự tâm, thấy suốt bản tánh, phát nguồn từ Hội Linh Sơn, Phật đưa cành hoa sen, Tổ Ma Ha Ca Diếp mĩm cười ngộ đạo, truyền đến Tổ Bồ Đề Đạt Ma và truyền sang Đông Độ. Về sau, mỗi ngày phương pháp hạ thủ công phu đều biến đổi. Ở thời Đại Đường, Tống về trước, các thiền đức phần nhiều do một lời nói hoặc nửa câu mà ngộ đạo. Thầy trò truyền trao cho nhau chỉ lấy tâm in vào tâm, không có một thật pháp. Hằng ngày tham vấn, đối đáp chẳng qua tùy theo cách cột mà mở trói, theo bệnh cho thuốc mà thôi.

Từ thời Tống về sau, người học Thiền căn khí yếu kém, nghe lời giảng rồi, thực hành không đạt tới chỗ chỉ. Như dạy: buông bỏ tất cả, dừng nghĩ lành dữ. Nhưng tất cả buông bỏ chẳng dứt, đã không nghĩ thiện mà còn nghĩ ác. Trong hoàn cảnh như vậy, Tổ Sư chúng ta, bất đắc dĩ, tạm dùng biện pháp lấy độc công độc, dạy người tham công án hoặc khán thoại đầu. Thậm chí dùng đến những "tử thoại đầu", dạy chúng ta phải khẩn thiết, từng sát na không được buông lung, như chuột già moi quan tài không khác, định cho một chỗ không thông, không dừng, mục đích lấy một niệm chế phục muôn niệm. Đây thực ra là một biện pháp bất đắc dĩ, như người có mụt nhọt trên thân, nếu không lấy dao mổ ra để trị, khó thể khỏi bệnh. Người xưa dùng công án độ được nhiều người đắc đạo, thời nay chuyên giảng "khán thoại đầu". Có người khán “mang tử thi là ai?" có người khán “trước khi cha mẹ chưa sanh, bản lai diện mục ta thế nào?" Gần đây nhiều người thường dùng "Khán niệm Phật là ai?". Tất cả thoại đầu này, kỳ thiệt là một dạng, đều rất bình thường, không có gì lạ, như chúng ta nói: Khán niệm kinh là ai? Khán trì chú là ai? Khán lễ bái Phật là ai? Khán ăn uống là ai? Khán giặt áo là ai? Khán đi đường là ai? Khán ngủ thức là ai? đều cùng một dạng, dùng chữ Ai để đặt câu hỏi và chữ Ai là trọng tâm của đáp áng. Quả thực, trước khi "thoại" (có lời nói) từ trong tâm mà khởi, như vậy tâm là đầu của thoại, gọi là “thoại đầu”. Niệm từ tâm mà khởi, như vậy, tâm là đầu của niệm gọi là “niệm đầu”. Vạn pháp đều từ tâm sanh, như thế tâm là đầu của vạn pháp. Kỳ thật, thoại đầu chính là niệm đầu. Trước khi có niệm đầu là tâm. Nói một cách khác, trước khi một niệm chưa sanh chính là thoại đầu. Do đó, chúng ta hiểu rằng khán thoại đầu chính là quán tâm, tánh chính là tâm. Nghe lại là nghe tự tánh, chính là quán lại tự tâm, "giác tướng viên chiếu thanh tịnh". Giác tướng thanh tịnh là tâm.

Chiếu tức là quán, vậy tâm chính là Phật. Niệm Phật là quán Phật, quán Phật tức là quán tâm. Sở dĩ nói "khán thoại đầu" hoặc nói "khán niệm Phật là ai" chính là quán chiếu tự tâm giác thể thanh tịnh, cũng tức là quán chiếu tự tánh Phật. Tâm tức là tánh, tức giác, tức Phật, không có hình tướng, phương sở rõ ràng không thể được, thanh tịnh rõ ràng, trùm khắp pháp giới, không ra không vào, không đến không đi. Đó là pháp thân thanh tịnh Phật xưa nay sẳn có. Người thực hành chỉ cần nhiếp hết sáu căn, từ chỗ mới sanh của một niệm. Chiếu cố một thoại đầu này là khán đến chỗ ly niệm, là thanh tịnh tự tâm. Rồi liên tục tịch mà chiếu, thẳng đến năm uẩn đều không, thân và tâm đều tịch tịnh, không còn một việc, từ đó, ngày đêm sáu thời, đi đứng ngồi nằm, như như không động, lâu ngày công lớn, thấy tánh thành Phật. Xưa Cao Phong Tổ Sư dạy: “Học giả cần khán thoại đầu, như liệng một phiến đá ở lòng đầm sâu muôn trượng, chìm thẳng tới đáy. Nếu bảy ngày không được khai ngộ, nên đến lấy đầu lão Tăng đi". Các bạn đồng tham, cần tin lời dạy trên là sự thực.

Nhưng ngày nay người khán thoại đầu thì nhiều, mà người ngộ đạo rất ít, vì căn khí người thời nay không bằng căn khí người xưa, và cũng do người thời nay cứ tham đông, hỏi tây, chạy nam, đuổi bắc, kết quả đến già đối với thoại đầu vẫn chưa được minh bạch, không biết thoại đầu là gì, một đời nói khán thoại đầu, thực ra chỉ chấp trước danh tướng, ngôn cú. Dụng tâm ở thoại vĩ (cuối câu) để khán tham Phật là ai? Chiếu cố thoại đầu, khán tới khán lui, tham lui tham tới, chạy đông chạy tây tìm kiếm, cứ tìm kiếm làm gì có thể khế hợp với đại đạo vô vi, làm sao dự vào địa vị không thọ nhận tất cả. Trước mắt chỉ kiến màu, làm sao nhìn rõ ánh sáng, thật đáng thương tiếc. Có một số người, bỏ nhà học đạo, chí nguyện thoát trần, chạy tìm đông tây, lao nhọc suốt đời, chẳng có kết quả gì, thật đáng thương! Cổ nhân dạy: "Thà chịu ngàn năm chẳng ngộ, đừng để một ngày lầm đường". Người tu hành ngộ đạo cũng khó, nhưng cũng dễ, như người mở đèn điện, nếu mở đúng, thì tức khắc điện tỏa ánh sáng, nhà tối ngàn năm tức thời sáng rực. Nếu mở không đúng, thì dây đứt, đèn hỏng, phiền não thêm tăng. Có người tham thiền, khán thoại đầu bị ma nhập phát cuồng, thổ huyết, bệnh nặng, vì vô minh dầy đặc, chấp nhân ngã quá sâu, nên người yếu khó thực hiện. Vì thế, người dụng công cốt yếu phải khéo léo điều hòa thân tâm, làm cho tâm bình, khí hòa, không ngăn ngại, không người, không ta, đi đứng nằm ngồi đều hợp với huyền cơ mới có kết quả.

Phương pháp tham thiền từ xưa nay không có phân biệt, chỉ định được khi công phu, người mới công phu có cái khó và dễ của người mới, người công phu lâu có khó và dễ của người công phu lâu. Người mới công phu khó ở chỗ thân tâm không thuần thục, cửa ngõ không rõ ràng, dùng công phu khó đề khởi, lòng không tinh tấn, để ngày qua lại ngày, kết quả: "Đầu năm mới tham, năm kế chậm tham, năm thứ ba không còn tham nữa".

Cái dễ ở chỗ mọi người chỉ cần đủ lòng tin, lòng lâu bền và lòng không là được.

A- Lòng tin: 1. Lòng tin là tin tâm này của ta xưa nay vốn là Phật; chúng sanh cùng với ba đời chư Phật trong mười phương không khác. 2. Tin pháp của Đức Thích Ca Mâu Ni nói ra, mỗi pháp đều có thể khỏi sanh tử thành Phật.

B- Lòng lâu bền là quyết định chọn một pháp suốt đời thực hành, cho đến các đời sau kế tiếp vẫn hành trì như thế. Người tham thiền cứ như thế mà tham, người niệm Phật cứ như thế mà niệm, người trì chú cứ như thế mà trì, người học giáo lý cứ nghe, suy nghĩ mà thực hành, bất cứ pháp môn nào cũng lấy giới làm căn bản. Quả thực làm đúng như thế, trong tương lai làm sao mà lại không thành. Tổ Qui Sơn dạy: "Nếu người nào thực hành pháp này, ba đời nếu không lui sụt, thềm Phật quyết định đạt thành." Vĩnh Gia Thiền sư cũng nói: "Nếu đem nói dối gạt chúng sanh, sẽ đọa địa ngục cắt lưỡi hằng sa kiếp".

C- Vô tâm là buông bỏ tất ca, như người đã chết, suốt ngày theo chúng, khởi nhiều thứ điên đảo, nhưng không khởi lại một chút phân biệt chấp trước, trở thành một đạo nhân vô tâm. Người mới phát tâm phải có đủ ba tâm, rồi sau đó mới tham thiền khán thoại đầu, khán niệm Phật là ai? Chúng ta tự niệm thầm A Di Đà Phật vài tiếng, rồi khán lại niệm Phật chính là ai? Một niệm này từ chỗ nào đến? Chúng ta biết nhất niệm này không từ miệng ta mà đến, cũng không từ nhục thân mà đến. Nếu nó từ thân ta, hoặc miệng ta mà khởi, thì khi ta chết, thân và miệng vẫn còn, vì sao không thể niệm được? Như thế, biết rằng nhất niệm này là từ tâm ta mà khởi. Nếu từ chỗ tâm mà khởi, chúng ta phải chăm chú khán, như mèo bắt chuột, dốc hết tinh thần tập trung vào chỗ ấy. Nếu có sanh ra hai niệm, phải xét hưởn hay gấp cho đúng lúc, nếu dứt nó quá gấp, sẽ sanh ra bệnh chướng. Đi đứng nằm ngồi đều dụng tâm như thế ấy, lâu ngày công nhiều. Cây khô lá rụng, nhơn duyên thời tiết đến rồi, thì bổng nhiên tỏ ngộ. Trong lúc ấy, như người uống nước, nóng nguội tự biết, không còn chút nghi ngờ, thấy ngõ về nhà, tâm đại an lạc.

Thoại đầu chính là nhất tâm, chúng ta có tâm nhất niệm này, không ở trong, ngoài, chính giữa và cũng ở chính giữa, trong, ngoài, như hư không, không động mà có mặt tất cả mọi chỗ. Vì thế, thoại đầu không cần hướng thượng, không cần yểm hạ, nếu hướng thượng thì khởi ra trạo cử, nếu yểm hạ thì bị hôn trầm, trái với bản tánh, đều không phải là lý trung đạo. Nhiều vị sợ vọng tưởng, nên khó khăn tìm đủ cách để hàng phục vọng tưởng, theo tôi, các vị không cần sợ vọng tưởng, cũng không cần phí sức hàng phục vọng tưởng, chỉ cần nhận được vọng tưởng, không chấp trước theo nó, không chạy theo nó, không cố tự tiêu diệt nó, chỉ không theo nó là vọng tưởng tự lìa. Nên nói vọng tưởng nổi lên liền giác, có giác vọng tự xa lìa. Nếu lấy vọng tưởng làm công phu, khán vọng tưởng từ chỗ nào đến, đương lúc ấy, thể tánh vốn là không, tâm tánh chúng ta thể vốn không, tự tánh vốn không là tự tánh pháp thân Phật thanh tịnh hiện tiền. Nếu nghiên cứu cho rốt ráo, thì chơn như và vọng tưởng cùng một thể, chúng sanh và Phật không hai, sinh tử niết bàn, bồ đề phiền não đều từ bản tánh mà lưu xuất, nên không cần phân biệt, ưa chán, thủ xả. Tâm thanh tịnh ấy xưa nay vốn là Phật, trong ấy không có một pháp cầu.



B. Khai thị ở thiền đường

Gần đây có nhiều Đại Đức đến xin khai thị, quý vị đã gian khổ đến đây, thật vô cùng cảm động, nhưng Hư Vân tôi rất hổ thẹn, mình không có đạo đức, nên không thể khai thị cho quý vị. Chúng tôi chỉ lượm lặt những lời của cổ nhơn dạy, để đáp những điều các vị hỏi về phương pháp dụng công nhập môn và tham thiền.

I. Phương pháp nhập môn

Dụng công nhập môn có rất nhiều phương pháp, hiện tại chúng tôi chỉ lược nói về những điều kiện tiên quyết và phương pháp tham thiền để hành giả từ đó có thể thực hành.

Các điều kiện tiên quyết:

1. Tin sâu nhơn quả:

Bất luận người nào, nếu muốn dụng công hiểu đạo, trước hết phải tin sâu nhơn quả. Nếu người không tin nhơn quả, làm dối nói càng, không những học đạo chẳng thành, mà còn dễ dàng rơi vào ba đường dữ. Cổ Đức dạy: "Muốn biết nhơn đời trước, chỉ nhìn sự nhận chịu ở đời này, muốn biết quả đời sau, chỉ nhìn việc làm ở đời này." Lại nói: "Giả sử trãi qua trăm ngàn kiếp, chỗ tạo nghiệp không mất. Khi nhơn duyên đã đến, quả báo mình tự nhận." Kinh Lăng Nghiêm nói: "Nhơn địa không ngay, quả ắt vẹo vọ." Vì thế, ở đời, gieo nhơn lành, kết quả lành, gieo nhơn dữ, kết quả dữ. Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu. Đạo lý ấy vẫn đúng xưa nay. Nói đến nhơn quả, chúng tôi nêu ra hai sự kiện sau đây để chứng minh:

- Lúc Phật còn trụ thế, trong thành Ca-Tỳ-La-Duyệt có một làng đánh cá, trong làng có một cái hồ lớn, nơi sinh sản vô số cá. Có một năm trời hạn rất lâu, dân trong làng không còn thực phẩm. Hồ lớn cũng cạn nước, người trong làng đã bắt hết cá trong hồ để ăn thịt. Cuối cùng con cá lớn nhất trong hồ cũng bị bắt, sắp đem làm thịt. Lúc ấy có một chú bé thấy cá lớn bị bắt, đến đập vào đầu cá ba lần để chơi giởn nhưng không ăn thịt cá.

Trong thời Phật Thích Ca còn trụ thế, Vua Ba Tư Nặc rất tin tưởng Phật pháp. Trong dòng họ Thích có một người con gái sanh một thái tử tên là Lưu-Ly. Lưu-Ly lúc còn nhỏ ở trong dòng họ Thích, thường đến thành Ca Tỳ La Duyệt để đọc sách, tánh tình ông ta rất ngỗ nghịch, không ai dạy nổi. Một hôm, trong buổi chơi giởn, ông đã leo lên tòa Phật ngồi, nói những lời bất phải, bị người trong dòng họ Thích mắng và lôi ra khỏi tòa. Từ đó ông ôm lòng giận, quyết phải trả thù. Đến khi ông trở thành quốc vương, liền dẫn đại quân về đánh phá thành Ca-Tỳ-La-Duyệt và thẳng tay sát hại hết dân chúng ở trong thành. Lúc ấy Phật bị nhức đầu ba ngày. Các đại đệ tử đều xin Phật tìm cách giải cứu dòng họ Thích. Phật trả lời: Định nghiệp khó chuyển. Tôn giả Mục Kiền Liên dùng thần thông, đem bát đến thu những thân tộc dòng họ Thích, tất cả năm trăm người, vào bình bát rồi bay lên không trung, đợi khi thế giặc yên rồi, ngài sẽ dùng thần lực đem ra. Nhưng khi giặc đã tan, ngài đổ bát ra chỉ còn năm trăm giọt máu. Các đại đệ tử đến hỏi Phật. Ngài liền đem việc quá khứ của thôn dân giết hết hồ cá. Người cư dân bị giết ở thành La-Duyệt ngày nay là những người đã ăn cá ở thôn ngư phủ ngày xưa. Và Phật lúc ấy là cậu nhỏ đã đập đầu cá ba lần, hiện tại, bị quả báo nhức đầu ba ngày. Định nghiệp khó trốn. Dù năm trăm người dòng họ Thích, tuy được Mục Kiền Liên cứu ra, nhưng vẫn không cứu được tánh mạng. Trong đời sau, vua Lưu-Ly bị đọa vào địa ngục, oan oan tương báo không bao giờ hết. Nhân quả thật đáng sợ!

- Bách Trượng Thiền sư, có một hôm, thượng đường giảng thiền thoại, đến khi hạ tọa, mọi người đều đã đi ra, chỉ có một ông già còn đứng chưa ra, ngài hỏi ông có gì cần hỏi? Ông già thưa: Con không phải là người, con vốn là hồ ly tinh. Đời trước vốn là một Hòa Thượng đường đầu, nhơn có người hỏi: Người tu hành cao có bị chi phối bởi luật nhơn quả chăng? Con đáp: Không bị chi phối nhơn quả. Vì cớ ấy, con bị đọa lạc năm trăm năm làm hồ ly, chưa thoát khỏi thân này, xin Hòa Thượng từ bi khai thị. Thiền sư Bách Trượng hỏi: Ông hỏi lại ta nghe. Ông già hỏi: Xin hỏi Hoà Thượng người tu hành cao có bị chi phối bởi nhơn quả chăng? Bách Trượng Thiền sư đáp: "Người tu hành cao không mê muội nhơn quả”. Ông già sau câu nói ấy, hoát nhiên đại ngộ, liền lễ tạ Thiền sư và thưa: Nay nhờ lời dạy của Hòa Thượng, con nay đã khỏi thân hồ ly (chồn), thây con ở gộp đá sau núi, mong Hòa Thượng chôn cất theo tư cách một vong tăng. Ngày hôm sau, Thiền sư Bá Trượng ra gộp đá sau núi, lấy gậy vạch cỏ, thấy có một con hồ ly già đã chết, liền dùng lễ vong tăng để trà tỳ.

Qua hai câu chuyện trên, chúng ta biết rằng nhân quả đáng sợ. Tuy đã thành Phật vẫn bị quả báo nhức đầu, báo ứng hào ly không sót. Định nghiệp quả thực khó trốn, chúng ta cần phải răn nhắc, đừng cho tạo nghiệp nhơn.

2. Trì giới luật:

Điểm cốt yếu của việc dụng công tu đạo là trì giới. Giới là cội gốc của Vô thượng Bồ đề. Nhơn giới sanh định, nhơn định phát huệ. Nếu không trì giới mà tu hành muốn đắc đạo, không có lý đó bao giờ. Kinh Lăng Nghiêm dạy: Người không trì giới mà tu tam muội, thì không thể ra khỏi trần lao, dù có nhiều trí tuệ, thiền định hiện tiền cũng lạc vào tà ma ngoại đạo. Nên biết trì giới là điều trọng yếu. Người trì giới, long thiên ủng hộ, tà ma ngoại đạo kỉnh sợ. Người phá giới, quỷ chê là đại tặc, đi đâu bị quỷ chê, xoa dấu chân.

Ngày xưa ở nước Kế Tân, gần khu đất Tăng già ở, có một con rồng dữ, thường xuất hiện ở địa phương gần đó. Có năm trăm vị A la Hán họp lại, dùng sức thiền định để đuổi độc long đi. Nhưng bị đoàn độc long bao vây. Trong ấy có một vị Tăng ra khỏi định, đến gần bọn độc long bảo: “Các vị cần phải rời khỏi chỗ này." Nghe xong, bọn độc long vội lánh xa bỏ đi. Chúng La Hán mới hỏi vị Tăng đã dùng thần thông gì mà đuổi được độc long. Vị Tăng trả lời: Tôi không dùng năng lực thiền định, chỉ dùng năng lực giữ giới. Tôi luôn luôn coi khinh giới cũng như cấm trọng giới, nên có được năng lực như thế.

Chúng ta thấy năng lực thiền định của năm trăm vị A la Hán cũng không bằng năng lực trì giới nghiêm túc của một vị Tăng. Thực trì giới năng lực mầu nhiệm vô cùng!

Có người cho rằng Lục Tổ Huệ Năng đã nói: “Tâm bình nhọc gì trì giới, Hạnh thẳng nào cần tu thiền." Chúng ta thử hỏi có ai đã được tâm bình? Có một dịp người đẹp như Hằng Nga khỏa thân lộ thể, ôm lấy họ, hỏi họ có thể không động tâm chăng? Có người vô lý nhục mạ, đánh đập ta, ta có thể không sanh lòng hờn giận không? Ta có thể không phân biệt oán thân, thương ghét, nhơn ngã không? Nếu làm được như vậy thì mới nên mở miệng nói không cần trì giới.

3. Lòng tin phải kiên cố:

Người dụng công tu đạo, trước tiên phải có lòng tin kiên cố. Tin là gốc đạo, là mẹ các công đức. Ở đời, bất cứ làm việc gì, nếu thiếu lòng tin, thì việc làm không thể có kết quả. Chúng ta là những người muốn thoát khỏi sinh tử, cần phải có lòng tin kiên cố. Phật nói đại địa chúng sanh đều có đức tướng trí huệ của Như lai, chỉ do chấp trước theo vọng tưởng nên không thể chứng được, do đó Phật nói rất nhiều pháp môn để đối trị tâm bệnh của chúng sanh. Vì thế, chúng ta cần tin lời Phật dạy không dối, tin chúng sanh đều có khả năng thành Phật. Sở dĩ chúng ta không thành Phật, đều do chưa thực hành đúng pháp, quyết hạ thủ công phu trọn đời. Như chúng ta tin đậu nành có thể tạo ra đậu hủ. Nếu chúng ta không trồng đậu nành, tự mình không thể làm ra đậu hủ được. Không khác gì người lấy thạch cao, muốn tạo ra đậu hủ, việc đó không thể thành. Do đó, muốn có đậu hủ, ta phải có đậu nành, rồi theo đúng pháp xay nấu vừa lượng, chắc có thể thành đậu hủ tốt. Người tu hành học đạo cũng thế, không dụng công không thể thành Phật, dụng công không đúng pháp, Phật đạo khó thành. Nếu đúng pháp tu hành không lui sụt, quyết định có thể thành Phật. Nên chúng ta cần phải tin chắc tự mình vốn là Phật. Nếu bằng lòng tin sâu, đúng pháp tu hành, quyết định thành Phật. Vĩnh Gia Thiền sư nói: " Chứng thật tướng, không nhơn pháp, trong sát na diệt hết nghiệp a tỳ, nếu đem lời dối phỉnh chúng sanh, tự chịu cắt lưỡi trần sa kiếp". Thiền sư đã hết lòng từ bi, muốn dạy người đời sau có lòng tin chắc, nên đã phát nguyện rộng lớn như thế.

4. Quyết định pháp môn thực hành

Lòng tin đã đủ, cần phải lựa chọn một pháp môn để tu trì. Không nên sớm Tần, chiều Sở, không luận niệm Phật, trì chú, tham thiền đều tốt. Tóm lại, cốt yếu cần nhận định một pháp môn thật cẩn thận rồi quyết định làm, vĩnh viển không bao giờ hối hận và lui sụt. Ngày nay chưa thành công, ngày mai vẫn làm như thế, năm nay chưa thành công, năm sau vẫn làm như thế, đời này chưa thành công, đời sau cũng tiếp tục như thế. Tổ Quy Sơn có dạy: "Đời đời nếu không lui sụt, thềm Phật quyết định có ngày đến." Có nhiều người làm không quyết định, ngày nay nghe theo vị thiện tri thức này nói niệm Phật tốt, liền niệm Phật được vài ngày, nghe thiện tri thức kia nói tham thiền tốt, lại tham vài ngày thiền, chạy đông nhảy tây, chạy nhảy một đời đến chết vẫn không ra khỏi "nhà danh lợi", thực đáng tiếc thay!



II. Phương pháp tham thiền

Phương pháp dụng công tuy nhiều, nhưng chư Phật Tổ đều lấy "tham thiền" làm phương pháp vô thượng. Trên Hội Lăng Nghiêm, Phật dạy Văn Thù Bồ Tát lựa chọn viên thông, ngài Văn Thù lấy nhỉ căn viên thông của Quán Thế Âm Bồ tát làm bậc nhất, chúng ta cần “nghe lại, nghe tự tánh”. Đây là điểm chính yếu tham thiền ở trong thiền đường này.



1. Tọa thiền cần biết

Hằng ngày, bình thường, chúng ta đi trên đường không phải là đạo tràng, cũng không phải là thiền đường, nhưng các ngài vẫn thiền định trong cả bốn oai nghi, không phải ngồi mới gọi là thiền. Sở dĩ nói có thiền đường, có tọa thiền, là vì chúng ta thời mạt pháp, chướng sâu, huệ cạn mà lập ra.

Tọa thiền cốt yếu trước phải điều phục thân và tâm, nếu không khéo điều hòa thì bị bệnh nhiều, thì bị ma nhập, thật đáng tiếc! Việc hành hương, tọa hương của thiền đường, dụng ý để điều hòa thân tâm. Có nhiều cách điều hòa thân tâm, ở đây chọn vài điểm yếu lược.

Khi ngồi kiết già, phải thuận theo tự nhiên, ngồi thẳng, lưng thẳng như ống trụ, cổ thẳng, tai thẳng vai, mũi thẳng rốn, nếu thấy tức ngực là quá ưởn phía trước, nếu lưng khum sẽ cảm thấy mõi, mắt mờ là gục trước quá. Tùy theo mà sửa chửa cho điều hòa, hợp với tự nhiên. Nếu khi biết hôn trầm đến, hành giả phải mở mắt lớn ra, di động hai vai, hôn trầm tự nhiên tiêu diệt.

Có người dụng công thái quá, thấy trong lòng nóng nảy, nên bỏ hết vạn duyên, tạm thôi công phu, nghỉ thời gian, đến khi cảm thấy bình phục, mới đề khởi dụng công lại. Nếu không nghỉ, lâu ngày sinh ra nóng nảy, dễ giận dữ, hoặc phát cuồng, mắc bệnh ma.

Toạ thiền khi sắp thuần thục, rất nhiều cảnh giới hiện ra, không thể nói hết, nếu chúng ta có lòng chấp trước, liền bị trở ngại, không đến kết quả. Người đời thường nói: "Thấy yêu quái không sợ, yêu quái ấy tự bại" Tuy thấy nhiều yêu ma quỷ mị đến phá khuấy ta, nhưng ta không cần sợ họ, họ sẽ không bao giờ hại được ta. Thấy Phật Thích Ca đến sờ đầu thọ ký, cũng không sanh lòng hoan hỉ: Kinh Lăng Nghiêm dạy: "Không khởi lòng thánh gọi là thiện cảnh giới, nếu khởi lòng thánh giải liền nhận bọn tà".



2. Dụng công hạ thủ

Dụng công hạ thủ trên Hội Lăng Nghiêm, Kiều Trần Như Tôn giả nêu hai chữ “khách trần”, chính là hạ thủ công phu hữu hiệu nhất của người mới dụng công. Kinh nói: "Như có người khách ở nhờ quán trọ hoặc ngủ đêm, hoặc ăn uống, khi ăn ngủ đã xong, thì xách gói lên đường, không thể an trụ lâu. Nếu thiệt là người chủ quán trọ không hề đi đâu. Suy nghĩ như thế biết rằng: Không trụ gọi là khách, thường trụ gọi là chủ. Như buổi sáng nắng chiếu vào những kẻ hở trong liêu, có luồng ánh sáng xuyên qua, trong luồng ánh sáng ấy, ta thấy có vô số bụi luôn luôn lay động qua lại, trái lại, hư không lặng lẽ; trong lặng gọi là hư không, diêu động gọi là bụi. Khách và trần thí dụ cho vọng tưởng, chủ và hư không dụ cho tự tánh. Chủ nhân thì thường trụ, khách thì lay động lại qua. Chủ là tự tánh, lặng lẽ, không chạy theo vọng tưởng sanh diệt, nên Cổ đức nói: "Chỉ tự mình vô tâm cùng vạn vật, lo gì vạn vật thường náo loạn”. Bản chất của bụi vốn diêu động, vốn không trở ngại gì tánh chất trong lặng của hư không. Như bản chất vọng tưởng tự sanh diệt, vốn không trở ngại tự tánh như như bất động; nên gọi: lòng mình không sanh là được, muôn pháp không có lỗi gì?

Hai cách dụng công trên đây từ thô đến tế. Khách và chủ là thô, trần và không là tế. Người sơ cơ dụng tâm, trước phải nhận rõ ràng chủ và khách, là tự mình không bị vọng tưởng lôi cuốn. Thêm một bước nữa, hiểu được không và trần, biết vọng tưởng tự nó không làm chướng ngại được tự tánh mình, lãnh hội được như vậy, gọi là được vào cửa thiền rồi vậy.



3. Thoại đầu và nghi tình.

Thuở xưa, chư Tổ đều chỉ thẳng lòng người, thấy tánh thành Phật. Như Tổ Đạt Ma chỉ cách an tâm. Tổ Huệ Năng chỉ luận thấy tánh. Chỉ cần thẳng ở đó mà nhận lãnh là xong, không có khán thoại đầu hay công án. Mãi đến về sau, chư Tổ thấy lòng người nay không bằng người xưa, không thể dùng tử tâm học đạo, nhiều gian xảo máy móc, đếm lấy trân bảo của người khác làm châu báu của mình. Vì thế, các ngài bắt đắc dĩ phải lập ra phương tiện, để kẻ hậu học có cơ nhập đạo, nên dạy người học thiền “khán thoại đầu”.

Thoại đầu có rất nhiều như: "Muôn pháp về một, một về chỗ nào?", “Thế nào là bản lai diện mục của ta, trước khi cha mẹ chưa sanh?", “Người niệm Phật là ai?" . Câu “Người niệm Phật là ai?” gần đây rất thông dụng.

Thế nào gọi là thoại đầu? Thoại là thuyết thoại (lời nói), đầu là trước khi có thuyết thoại. Như câu niệm Nam Mô A Di Đà Phật là cú thoại (câu nói). Trước khi chưa niệm chính là thoại đầu. Sở dĩ nói thoại đầu (câu đầu) là chỉ ranh giới khi một niệm chưa sanh. Một niệm vừa sanh đã thành thoại vĩ (câu đuôi). Trong phạm vi một niệm chưa sanh ấy gọi là không sanh, nó không diêu động, không hôn trầm, không chấp tịnh, không lạc vào không, gọi là phút giây không diệt. Ngay trong lúc ấy, một niệm hồi quang phản chiếu (chiếu ngược lại) không sanh diệt này gọi là khán thoại đầu hay chiếu cố thoại đầu.

Khán thoại đầu trước tiên cần phải phát nghi tình. Nghi tình là mấu chốt của thoại đầu. Thế nào gọi là nghi tình, như nói người niệm Phật là ai, mọi người đều biết là tự mình niệm, có thể dùng miệng niệm hoặc dùng tâm niệm. Như dùng miệng niệm, khi người ngủ say, vẫn có miệng, nhưng sao không niệm. Như dùng tâm niệm, tâm có bao nhiêu hình trạng, chạy bắt không dừng, do đó tâm không rõ ràng, vì vậy, câu hỏi được đặt trọng tâm vào chữ AI để phát khởi. Niệm nghi ban đầu nhẹ, không cần thô, càng tế càng tốt, tùy lúc, tùy chỗ, liên tục chiếu cố, niệm nghi như nước chảy, không bao giờ dứt, không sanh hai niệm, làm cho nghi niệm không ở một chỗ. Nếu nghi niệm ở một chỗ, không cần vội đoạn tuyệt, nếu nghi niệm không ở một chỗ, lại phải nhẹ nhàng đề khởi. Người mới dụng tâm phải lấy định tịnh để so sánh với cái động loạn, nhưng không để tâm phân biệt. Không cần biết nó đắc lực hay không đắc lực, biết nó động hay tịnh, chỉ một lòng một ý, để khởi nghi tình là tốt.

Thoại đầu người niệm Phật là ai? Tối quan trọng là chữ ai. Các chữ khác đều là những từ phụ mà thôi. Như ăn cơm, uống nước là ai? Tắm rửa là ai? Đập tan vô minh là ai? Hay hiểu biết là ai? Bất cứ đi đứng nằm ngồi khởi lên chữ ai, rất dễ dàng để phát nghi niệm, không cần suy nghĩ tính toán, tác ý mới có. Vì thế, thoại đầu Ai thật là diệu pháp của tham thiền, nhưng không được đem chữ ai, hoặc “người niệm Phật là ai”, làm hiệu Phật để niệm, cũng không được suy tính, so lường niệm Phật là ai, gọi là có nghi tình. Có người đem câu “người niệm Phật là ai” niệm không dừng miệng, không khác gì niệm câu A Di Đà Phật cầu công đức. Có người cứ suy tính loạn tưởng, tìm đông, tìm tây gọi là nghi tình, họ đâu biết rằng càng tưởng, vọng tưởng càng nhiều, họ muốn đi lên lại bị rơi xuống, điều đó cần phải chú ý.

Người mới phát tâm niệm, nghi rất thô, có lúc gián đoạn, có lúc liên tục, có lúc mất, có lúc còn, nên không được gọi là nghi tình, mà chỉ gọi là tố tưởng (đẹp - tưởng tốt), lần lần thâu hết niệm đầu. Nếu tâm được trụ gọi là tố tham (tham cứu tốt, chưa phải nghi tình), rồi lần lần công phu thuần thục, chẳng nghi mà tự nghi. Có khi không biết ngồi ở chỗ nào, không còn biết thân tâm và thế giới. Lần lần niệm nghi hiện tiền, không gián đoạn, lúc đó gọi là tố nghi tình, thực ra nghi tình mới đến. Ban đầu, người tu dụng công bằng cách đập tan vọng tưởng. Vọng tưởng đập sạch, chơn nghi hiện tiền. Lúc ấy chính là lúc dụng công đắc lực, nhưng dễ bị lạc vào đường tẻ, cần phải chú ý hai trạng thái sau:

a. Có lúc người tu cảm thấy lòng thanh thanh, tịnh tịnh, vô hạn khinh an, nếu lúc ấy không có giác chiếu, liền bị nguy hiểm ở trong tình trạng hôn trầm nhẹ, cần có người ở bên cạnh thấy được cảnh giới như thế, phải đánh một hồi bảng lớn, người nghe cảm thấy mây đương đầy trời tan mất, rất có nhiều cơ hội người tu nhơn đây mà ngộ đạo.

b. Có lúc người tu cảm thấy lòng thanh thanh, tịnh tịnh, không không, đổng đổng (thông suốt). Nếu nghi tình mất, thì bị lạc vào vô ký, hoặc như ngồi gộp cây khô cũng gọi "Bọt nước lạnh ở đầu đá". Đến giai đoạn này, phải đề khởi giác chiếu. Vì giác thì không mê là Huệ, chiếu thì không loạn là Định, chỉ khởi một niệm giác chiếu này, nó lặng lẽ, yên lặng mà chiếu soi như như chẳng động. Tánh nó vốn linh linh không tối, thường biết rõ ràng, như lửa tắt khói tan, tơ hào không vướng bận, dụng công đến lúc đó phải có con mắt kim cương quán sát, nếu không thì đầu lại thêm đầu.

Thuở xưa, có vị Tăng hỏi Thiền sư Triệu Châu: Khi một vật không sắp đến thì thế nào? Triệu Châu đáp: Buông bỏ đi. Tăng lại hỏi: Khi một vật không sắp đến thì buông bỏ cái gì? Triệu Châu đáp: Nếu buông bỏ không được thì chạy đi. Đây chính là nói hoàn cảnh lúc này, như người uống nước nóng lạnh tự biết, không thể dùng ngôn từ có thể nói tới. Người đã bước đến chỗ ấy, tự nhiên rõ ràng minh bạch. Người chưa đến chỗ ấy, có cố gắng nói nhiều cũng trở thành vô dụng. Nên cổ nhơn nói: Gặp người giỏi kiếm nên trình kiếm, không phải thi nhân chớ tặng thi.



4. Chiếu cố thoại đầu hay nghe lại, nghe tự tánh.

Đức Quan thế âm Bồ tát dạy: Nghe lại, nghe tự tánh, ta làm sao thấy được tham thiền này? Trường hợp này, chúng ta phải nói là chiếu cố thoại đầu. Vì trong ấy chỉ chúng ta, từng giờ từng khắc, phải chiếu cố một niệm hồi quang phản chiếu cái bất sanh bất diệt này. Thoại đầu “nghe lại, nghe tự tánh” là dạy chúng ta, từng phút từng giây, phải một niệm, nghe lại, nghe tự tánh. Nghe lại tức là trở về, chẳng sanh chẳng diệt là tự tánh, nghe và chiếu, khi thuận dòng là theo tiếng, đuổi sắc. Nghe không ngoài tiếng, thấy không ngoài sắc, phân biệt rõ ràng, chỉ có nghịch dòng là quán lại tự tánh, không chạy theo thinh sắc, thì nguyên là một tinh minh, nghe và chiếu không có hai trạng thái, chúng ta cần biết rõ. Sở dĩ nói chiếu cố thoại đầu, hay nghe lại tự tánh, tuyệt đối không phải dùng mắt để khán, không thể dùng tai để nghe. Nếu dùng mắt thấy, tai nghe là bị chạy theo thanh sắc, bị vật chuyển, gọi là thuận dòng. Nếu nhất niệm luôn luôn ở chỗ bất sanh diệt, gọi là nghịch dòng. Chính là chiếu cố thoại đầu, hay nghe lại tự tánh.



5. Phải phát trường viễn tâm và tâm quyết thoát sanh tử

Tối yếu của tham thiền là tâm tha thiết muốn thoát sanh tử và tâm trường viễn. Nếu lòng muốn thoát sanh tử không thiết tha, thì nghi tình khó phát khởi. Công phu không tiến, nếu không có tâm muốn làm lâu dài, thời như người cọ lửa, một nóng mười lạnh, làm sao có lửa được. Cần yếu phải có tâm thực hiện lâu dài, thì nghi tình có thể phát khởi, trần lao phiền não không cần dứt mà nó tự dứt, dần dần sẽ được thành công.

Tôi kể cho quý vị nghe câu chuyện cổ mà chính mắt tôi trông thấy. Thời nhà Thanh vào khoảng năm Canh Tý, năm ấy Bát quốc liên quân tấn công vào kinh đô. Tôi (Hòa Thượng Hư Vân) lúc ấy cùng vua Quang Chữ và Từ Hy Thái Hậu tìm đường chạy trốn, con đường từ kinh đô đến Hiếp Tây phải trải qua một đoạn đường đi bộ, mỗi ngày đi chừng mười dậm đường, trải qua mấy ngày đói khát, trên đường gặp một ông già cho một củ mì nướng, đưa cho vua Quang Chữ ăn, vua ăn xong, khen lấy khen để, đồ ăn đâu mà ngon đến thế. Hoàng Đế xưa nay vốn oai phong, không kể gì ăn uống, vì ngài chưa từng bị đói khát và chạy trốn, nếu có người đem cho củ khoai mì, chắc chắn là nuốt không vô. Sở dĩ ngài ăn thấy ngon, vì muốn bảo tồn mạng sống, quyết lòng trốn thoát để có ngày hồi loan, trở lại kinh đô. Trong lúc muốn bảo tồn sinh mạng, thì cái gì cũng quyết làm, nhưng chỉ làm thời gian ngắn rồi bỏ. Trái lại, người tu phải có tâm thực hiện lâu dài, nếu không có ý chí lâu dài, gặp cảnh cũ, phiền não liền sống lại.

Người tham thiền luôn luôn phải xem vô thường, sát quỷ, hằng giờ hằng phút muốn cướp lấy mạng sống của chúng ta, vĩnh viễn không bao giờ có ý lơi lỏng, hay nghị hòa với chúng. Vì vậy, ta phải quyết phát tâm thiết yếu lâu xa muốn thoát khỏi sanh tử. Cao Phong Diệu Thiền sư dạy: "Người tham thiền muốn có ngày thành công, như ngưới rớt vào giếng sâu ngàn trượng, từ sáng đến tối, từ tối đến sáng, ngàn tư muôn tưởng, mọi tư tưởng đều hết lòng muốn ra khỏi. Rốt ráo quyết không có hai niệm, ra công sức được thành thục như vậy, hoặc ba ngày, hoặc năm ngày, hoặc bảy ngày, nếu không thấu triệt, thì Cao Phong này phạm tội đại vọng ngữ, vĩnh viễn bị đọa vào địa ngục cắt lưỡi". Tổ Cao Phong, lòng đại từ bi rất thắm thiết, sợ e chúng ta không phát khởi tâm tha thiết lâu xa, nên phát ra những lời thề nặng, để làm bảo chứng cho chúng ta tin mà làm theo.



6. Dụng công có hai thứ khó và dễ.

Người dụng công có hai thứ khó và dễ, vì người mới dụng công, tâm cũng có khó, có dễ và người dụng công lâu, tâm cũng có khó, có dễ, chúng ta cần phải biết.

a. Sự khó và dễ của người mới dụng tâm.

* Cái khó của người mới dụng tâm: Cái bệnh chung của người mới dụng tâm là buông bỏ vọng tưởng, tập khí không nổi. Nguyên do bị vô minh, cống cao, tật đố, tham sân si làm chướng ngại. Lười biếng, ưa ăn ngon, ưa thị phi, nhân ngã, đâu có thể cùng đạo tương ứng. Hoặc có những người xuất thân là công tử, ca nhi, không quên tập quán, ăn một miếng dỡ, bị một lời chê, là chịu không nổi, thì không thể nào dụng công chứng đạo được. Họ đâu biết rằng đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật là bậc cành vàng lá ngọc vẫn xuất gia tu hành.

Hoặc có hạng người, biết được mấy món văn tự, cho mình là giỏi, tầm bài, trích chữ, lấy lời nói người xưa, cho mình thấu lý, liền sanh lòng đại ngã mạn, sanh ra nhiều bệnh. Đến khi vô thường đến gần, bệnh khổ ép ngặt, mới biết sự tri giải suông lúc còn sống không dùng được gì, chừng đó ăn năn không còn kịp.

Có người muốn tu hành, nhưng không biết chỗ nào để hạ thủ, hoặc có người sợ không trừ được vọng tưởng, suốt ngày phiền não lôi kéo, tự hờn mình nghiệp chướng sâu dày, nhơn đó mà thối thất đạo tâm. Có người quyết cùng vọng tưởng sống chết, quyết diệt trừ vọng tưởng một còn một mất. Họ đâu biết rằng vọng tưởng không thể cố trừ. Vì cố tâm trừ, nên bị thổ huyết, phát cuồng. Hoặc có người bị lạc vào không, họ đâu biết rằng, lúc sợ đó chính là mình đã sanh ra con quỷ không rồi. Không chẳng có gì hại, chỉ sợ sự giác ngộ không đến. Hoặc có người đem tâm cầu đốn ngộ, họ đâu biết rằng, cầu ngộ đạo, tưởng thành Phật, đều là đại vọng tưởng và cát vốn không phải cơm, dù nấu đến năm nào cũng không thể thành cơm, người cầu ngộ, dù trãi qua vô số kiếp cũng không thể ngộ. Có người tâm bổng khinh an chừng một vài cây hương, liền sanh hoan hỉ, họ đâu biết rằng, tình trạng đó chỉ là sự may mắn, như con rùa mù may găp bộng cây trôi, ngẩu nhiên được gặp, cái đó không phải do công phu mà được. Nếu được trạng thái đó mà vội vui mừng là bị ma hoan hỉ nhập vào tâm. Có người ở trong chỗ vắng, thấy tâm mình rất thanh tịnh, khi ở chỗ huyên náo, tâm liền loạn động. Do đó, lánh chỗ huyên náo, tìm chỗ vắng vẻ, liền nhập vào quyến thuộc của ma vương Động Tịnh. Các loại cảnh như thế rất nhiều, kể không xiết. Nên người mới dụng công, thường mờ mịt, không biết chỗ nào hạ thu, thật là một điều khó. Nếu có giác mà không chiếu, thì tâm tán loạn, không thể vào nhà, có chiếu mà không giác, là ngồi trong nước ao tù để nó giết chết.

* Cái dễ của người mới dụng công.

Dụng công tuy mới là khó, nhưng tìm đầu mối thì rất dễ. Vì sao người mới dụng công lại dễ? Vì không cần nhiều công phu, chỉ biết hai chữ "buông bỏ" là đúng. Nhưng chúng ta phải biết buông bỏ cái gì? Buông bỏ tất cả vô minh phiền não, cái gì làm não loạn thân tâm đều buông bỏ hết, phải biết rõ năm uẩn vốn không, vọng niệm không có, giác tánh viên minh, thì việc buông bỏ rất dễ dàng. Chúng ta thử mắng một tử thi những lời nhục mạ, tử thi vẫn không hề cảm thấy giận nóng, chúng ta đánh họ mấy gậy, họ vẫn không chống chế. Thân ta đã vô thường, không có gì khác tử thi. Thường ngày, chúng ta dứt vô minh, nhưng không dứt hết gốc rể của chúng. Hằng ngày, chúng ta ưa danh, tham lợi, đắm nhiều tập nhiểm mà không biết, không phân biệt rõ cái nào là vô minh, nếu biết được nó, chắc chắn buông bỏ được. Như chúng ta biết, thân này nếu một hơi thở ra không thở vào là mất mạng, thành một tử thi. Sở dĩ ta buông bỏ không được, vì ta coi thân này quí trọng, từ đó sanh ra nhân ngã, phải quấy, yêu ghét, lấy bỏ. Nếu nhận định rõ rằng, tử thi không cần vật báu, hèn sang, không có nhân ngã, nếu coi mình như đã chết, thì có cái gì buông bỏ không được. Nếu buông bỏ được, thì suốt ngày đêm, đi đứng nằm ngồi, động tịnh trong thân, ngoài cảnh, chỉ còn một niệm nghi, tiếp tục không dứt sự nghi, bỏ hết không còn mảy may niệm khác. Một câu thoại đầu như cây trường kiếm chống trời, ma đến chém ma, Phật đến chém Phật, không có một chút vọng tưởng nào dám léo hánh đến. Không cần sợ vọng tưởng, tất cả động, tịnh đều bỏ hết, không chấp có, cũng chẳng chấp không. Nếu sợ vọng tưởng, thì bị chồng thêm một lớp vọng tưởng, mong được giác thanh tịnh sớm, là không được thanh tịnh. Nếu sợ lạc vào không, là bị đọa vào cái có. Tưởng thành Phật sớm, là tự mình đã vào đường ma. Vì vậy, Cổ nhân dạy: Xách nước, đốn củi đều là diệu đạo, bừa ruộng, gieo mạ rõ thực thiền cơ. Được như vậy, chắc có một ngày thành công, cần gì ngồi tính, làm thế nào dụng công, luận đạo.

b. Sự khó và dễ của người dụng công lâu.

* Cái khó của người tu lâu dụng công: Cái gì là khó khăn của người dụng công thuần thục? Người dụng công thuần thục đến chỗ chơn nghi hiện tiền. Nếu có giác, có chiếu thuộc về sanh tử, không giác không chiếu, lạc vào chỗ không vong. Đến chỗ ấy rồi thật rất khó, có nhiều người đến đây đã không thoát được. Khi trong định đã phát ra huệ, biết được cổ nhân một số công án, liền buông bỏ nghi tình, cho là mình đại triệt, đại ngộ, ngâm thơ, làm kệ, nheo mắt, nhíu mày, tự xưng mình là thiện tri thức. Đâu biết đó là quyến thuộc của ma. Lại có những người lầm hiểu ý nghĩa của Tổ Đạt Ma nói: "Ngoài dứt các duyên, trong tâm không đầu mối, tâm như vách tường, có thể dùng vào đạo", hay Lục Tổ nói: "Đừng nghĩ thiện, đừng nghĩ ác, chính trong lúc ấy, cái gì là bản lai diện mục của Thượng Tọa Minh", bèn lấy việc ngồi ở gộp cây khô làm cực tắc. Các người này, thực lấy hóa thành làm bảo sở, nhận đất khách làm quê hương, vì vậy nên Bà Tử đốt am, còn mắng đó là những người đã chết.

* Cái dễ của người dụng công lâu: Sao gọi là cái dễ của người dụng công lâu? Đến thời gian ấy, cần yếu đừng tự mãn, đừng bỏ dỡ nữa chừng, làm mãi vi tế không dứt, vi tế làm mãi thêm vi làm mãi mãi, lâu ngày, thời tiết nhân duyên đã đến, đáy thùng tự vở, liền được giải thoát. Nếu không được như thế, bù vào các bậc thiện tri thức, sẽ có cách rút đinh nhổ cọc.

Hàn Sơn Đại sĩ có bài tụng:

Trên đỉnh núi thực cao

Bốn bên rộng vô biên

Ngồi yên chẳng ai biết

Trăng đơn in suối lạnh

Suối lạnh chẳng có trăng

Trăng ở tận trời xanh

Ngâm lên khúc ca ấy

Khúc ca chẳng phải thiền.

Qua bài kệ trên ta thấy hai câu đầu là "Đường tắt chơn thường" (độc lộ chơn thường). Bốn câu kế là nói về diệu thể của chơn như. Phàm phu không biết được chư Phật ba đời, không hiểu đến chỗ rốt ráo, gọi là không người biết. Hai câu kế tiếp là thêm thí dụ cho rõ. Hai câu cuối, sợ người nhận ngón tay làm mặt trăng, nên đặc biệt đề tỉnh chúng ta biết rằng: phàm những cái gì có thể nói tới, đều không phải là thiền.

Cùng các vị thiện tri thức! Những lời thô thiển trình bày vừa qua, là góp nhặt từ ý tưởng của chư Phật tổ, phàm cái gì có lời nói, đều không đúng nghĩa thực. Cổ đức ngày xưa, tiếp người không đập thì hét. Ngày nay, chúng ta không dám làm như người xưa, bất đắc dĩ nên phải giảng nói, đó chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng mà thôi. Giờ đây, xin chư vị hãy cùng tôi đồng tham:

Ngón tay cứu kính là ai?

Người tham mặt nguyệt chính mày là ai?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét