Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

Cuộc đời Thánh tăng Ananda

Cuộc đời Thánh tăng Ananda
Tác giả : Hellmuth Hecker 
Nguyễn Ðiều soạn dịch (1991)
____________________________________
Chương IX_b
A Nan Ða lúc Phật gần nhập Niết Bàn
-ooOoo-

Là những Phật tử muốn nghiên cứu rõ ràng lịch sử Phật Ðà, CHÚNG TA THỬ PHÂN TÍCH biến chuyển tâm lý của A Nan Ða đã trong khi ấy: Phải chăng ngoài việc bị ông Ma Vương che mờ trí sáng suốt, còng những nguyên nhân nào khác?

Số là tối hôm sau khi Phật muốn bệnh lần thứ nhất A Nan Ða được Phật gọi lên ngồi sát bên mình ở hàng toạ cụ đầu (Trứơc cả các vị Ðại Tôn Túc) để tụng kinh khuya. Rồi sau thời kinh, đức Phật lại ra lệnh cho chư Tăng ai về chỗ nấy để tu niệm. Còn A Nan Ða Ngài bỗng bảo cầm toạ cụ đi theo Ngài đến tịnh xá Capala để hành thiền.

Một sinh hoạt tu thiền chung với đức Bổn Sư, một vị Phật Tổ, mà A Nan Ða từ non 45 năm trường gần Phật không bao giờ dám ngờ là mình sẽ có được một diễm phúc như thế.
(Thường lệ, trước khi nhập định, đức Phật chỉ bảo A Nan Ða chuẩn bị tọa cụ trong tịnh thất cho một mình Ngài. Rồi Phật vào Nhập Ðịnh. Còn A Nan Ða muốn hành thiền ở đâu tuỳ ý, miễn đừng quá xa Phật, hầu khi cần, đức Bổn Sư sẽ không phải đi tìm. Thói quen này làm cho A Nan Ða có thể tiên đoán thời gian Nhập Ðịnh của Phật kéo dài bao lâu, để ông hoặc hành thiền trong tinh thất của mình hoặc lẳng lặng đi làm những công tác khác, như giặt giũ y phục của Phật, hay đến chăm sóc những Sa môn già yếu, bệnh hoạn).

Nhưng lần này, đức Phật lại bảo ông cùng đi hành đạo với Ngài, nên A Nan Ða cảm thấy một nỗi vui sướng khó tả tràn ngập trong lòng.

Nhất là trong khi ấy thần sắc của Phật rất bình thường, dường như trong ngày hôm đó Ngài không nhuốm trọng bệnh chi cả. (A Nan Ða nào biết rằng Phật đã dùng Ðại Bát Nhã pháp để quân bình thân bệnh). Nỗi vui sướng của A Nan Ða hiển nhiên là một loại hạnh phúc biết rằng ông sắp hành thiền trong hào quang và định lực của một vị Phật.

Rồi trong một chốc sung sướng, hân hạnh, A Nan Ða lại nghe đức Phật khen ngợi cái khung cảnh vừa xinh đẹp vừa thanh tịnh xung quanh đại Thiền xá Capala, trong rừng vắng, nên ông càng thêm cản khái, quên mất trước đó không lâu một biến cố tối quan trọng xảy ra: Ðức Phật đã nhuốm trọng bệnh! Ðây có lẽ là lý do thứ hai của sự "Tăm tối", lý do vì từ lâu A Nan Ða hằng thương kính đức Phật mà chưa bao giờ có được những giây phút gần gũi thân thiết êm đềm như thế!(Nói theo kiểu phàm tình, vì A Nan Ða lúc đó chưa đạt được Thánh quả A La Hán). Nên ông đã không ngờ bổn phận "Thỉnh Phật khoan Nhập Niết Bàn" chính là bổn phận của ông, và hiện tại đang đòi hỏi ông phải làm bổn phận đó, mà ông không biết.

Có gì đáng tiếc cho bằng A Nan Ða chính là người sợ Phật Nhập Niết Bàn sớm nhiều nhất mà khi đến lúc, ông lại không biết thỉnh Phật tiếp tục sống tại thế gian. Phải chăng sự yêu thương, ái mộ phàm tình vốn là nguyên nhân đưa tâm linh của con người đi vào nẻo tăm tối?

Dẫu sao, nếu Ma Vương (Màra) không ám ảnh thì A Nan Ða đã hiểu rõ ngụ ý trong lời Phật dạy rồi. Ông không phải chỉ yêu cầu một lần, mà cho đến một nghìn lần, ông cũng sẽ sẵn sàng vui vẻ năn nỉ Phật tiếp tục trên thế gian này để cứu độ chúng sanh. Và chỉ cần một lời yêu cầu thôi, lóng từ bi vô lượng của đức Phật sẽ tỏa rộng và Ngài sẽ không sớm nhập Niết bàn.

Sự cần thiết phải có người yêu cầu Phật "Khoan nhập Niết Bàn" như thế, là một điều thần bí trong kinh điển Pàli (Phạn ngữ). Người Phật tử khi nghiên cứu về khía cạnh siêu hình trong đạo Phật sẽ thấy nhức óc.

Xưa nay chúng ta vẫn hiểu rằng: Tuổi thọ của một kiếp người là do kết quả của toàn thể những cộng nghiệp (thiện ác lẫn lộn) mà người ấy đã tạo ra trong kiếp trước.

Nhưng trường hợp của đức Phật thì hơi khác. Vì kiếp thành Phật là kiếp chót, nên tuổi thọ của một vị Phật là di quả lưu lại của hằng hà sa số kiếp trước. Có thể có những di quả phi thiện hay trung hòa quá yếu nào đó, nằm trong vô thỉ kiếp xa xưa đã không đuổi theo kịp tiền thân Phật, nên Ngài chưa trả, thì khi thành Phật Ngài phải trả.

Người ta gọi những di quả quá yếu ấy là quả Tuỳ nhân duyên. Nghĩa là khi có lý do chính đáng đức Phật có thể chuyển hóa chúng được. Do đó tuổi thọ của một vị Phật sẽ ngắn hay dài vốn tùy theo sự chuyển hoá các di quả Tùy nhân duyên ấy.

Và lý do chính đáng vừa nói chính là phải có người thiện tâm yêu cầu đức Phật tiếp tục cuộc sống trên thế gian để độ cứu chúng sanh. Khi nghe lời yêu cầu ấy lòng từ bi của một vị Phật sẽ tự động tỏa rộng đến vô cực và làm chuyển hóa mọi hiệu lực của quả Tùy nhân duyên kia.

Cũng có người nói rằng: Ðức Phật là một bậc toàn tri. Ngài biết rõ mọi điều mong ước của tất cả chúng sanh, nên không cần ai yêu cầu, Ngài vì lòng từ bi sẽ tự động sống lâu trên thế gian để độ đời!


Ðiều này rất đúng, nhưng chỉ đúng khi thân Phật nằm trong trạng thái bình an, không thọ bệnh. Còn khi nhục thân bị trọng bệnh hoành hành, và tâm Phật nằm trong các bậc thiền, nhất là thiền Bát Nhã Vô Sắc, thì linh quang của Phật chỉ chiếu xung quanh thân Ngài mà thôi, chứ không tỏa đi xa để thấu đến những ai hữu duyên cần được cứu rỗi.
-ooOoo-

{Còn tiếp}

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét