Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

Ông Già Bần Cùng

Khi Phật còn tại thế, có ông già bần cùng. Ông sống đến 150 tuổi, râu tóc ra dài bạc phơ, nghèo khổ đói rách, không biết nương tựa vào ai. Ông nghe Phật Thích Ca ra đời đem lại sự an vui giải thoát cho chúng sanh. Ông lê cái thân gia nghèo khổ tìm đến đức Phật, nhưng khi đến cổng thì chư thiên Đế Thích không cho vào. Ông buồn khổ khóc lóc, than thân trách phận.

Phật biết được, liền sai ngài A Nan ra đưa vào. Khi thấy Phật, ông sụp lạy và bạch rằng, “Không biết đời trước con tạo tội gì mà hôm nay thân con phải chịu khổ? Muốn chết cũng không được, còn sống thì cơm không có ăn, áo không có mặc. Không biết con tạo nhân là gì mà hôm nay con phải chịu khổ như thế? Xin đức Thế Tôn từ bi chỉ dạy cho con.”

Phật dạy: Vào thời quá khứ xa xưa, có một ông thái tử giàu có keo kiết, không biết bố thí là gì. Thái tử chỉ mong lấy của người khác, làm cho những người mất của khổ đau không ít. Nhà vua lại cưng chiều ông nên ông tha hồ tác oai tác quái với dân chúng. Có một vị tỳ kheo thiếu y đến xin ông một cái y. Ông đã không cho mà còn bắt nhốt thầy và bỏ thầy đói đến bốn, năm ngày. Ông quan đại thần biết được khuyên ông thả ra, ông nghe theo thả ra. Thầy tỳ kheo đi vào rừng bị một bọn cướp bắt thầy, muốn đem tế trời. Thái tử nghe được, cho quân lính đến giải cứu, thả ra.

Phật kết luận: Tiền thân của ông lão là thái tử keo kiệt độc ác, nên nhiều kiếp phải nghèo khổ đói rách. Cho đến kiếp này, cơm áo cũng không đủ ăn mặc. Nhờ ông phát tâm cứu sống vị tỳ kheo nên được mạnh khỏe, sống lâu. Vị tỳ kheo là tiền thân Bồ Tát Di Lặc.

Ông nghe xong, xin sám hối tội lỗi xưa và xin xuất gia tu đạo giải thoát. Phật gọi “Thiện lai tỳ kheo” thì ông đủ tướng tỳ kheo. Nhờ gặp Phật mà ông thoát được quả báo nghèo đói.

Kinh dạy:

Giả sử trăm ngàn kiếp

Nghiệp đã tạo không mất.

Khi nhân duyên hội đủ

Quả báo trở lại tự chịu.

Cuộc đời Thánh tăng Ananda

Cuộc đời Thánh tăng Ananda
Tác giả : Hellmuth Hecker 
Nguyễn Ðiều soạn dịch (1991)
____________________________________
Chương IX_b
A Nan Ða lúc Phật gần nhập Niết Bàn
-ooOoo-

Là những Phật tử muốn nghiên cứu rõ ràng lịch sử Phật Ðà, CHÚNG TA THỬ PHÂN TÍCH biến chuyển tâm lý của A Nan Ða đã trong khi ấy: Phải chăng ngoài việc bị ông Ma Vương che mờ trí sáng suốt, còng những nguyên nhân nào khác?

Số là tối hôm sau khi Phật muốn bệnh lần thứ nhất A Nan Ða được Phật gọi lên ngồi sát bên mình ở hàng toạ cụ đầu (Trứơc cả các vị Ðại Tôn Túc) để tụng kinh khuya. Rồi sau thời kinh, đức Phật lại ra lệnh cho chư Tăng ai về chỗ nấy để tu niệm. Còn A Nan Ða Ngài bỗng bảo cầm toạ cụ đi theo Ngài đến tịnh xá Capala để hành thiền.

Một sinh hoạt tu thiền chung với đức Bổn Sư, một vị Phật Tổ, mà A Nan Ða từ non 45 năm trường gần Phật không bao giờ dám ngờ là mình sẽ có được một diễm phúc như thế.
(Thường lệ, trước khi nhập định, đức Phật chỉ bảo A Nan Ða chuẩn bị tọa cụ trong tịnh thất cho một mình Ngài. Rồi Phật vào Nhập Ðịnh. Còn A Nan Ða muốn hành thiền ở đâu tuỳ ý, miễn đừng quá xa Phật, hầu khi cần, đức Bổn Sư sẽ không phải đi tìm. Thói quen này làm cho A Nan Ða có thể tiên đoán thời gian Nhập Ðịnh của Phật kéo dài bao lâu, để ông hoặc hành thiền trong tinh thất của mình hoặc lẳng lặng đi làm những công tác khác, như giặt giũ y phục của Phật, hay đến chăm sóc những Sa môn già yếu, bệnh hoạn).

Nhưng lần này, đức Phật lại bảo ông cùng đi hành đạo với Ngài, nên A Nan Ða cảm thấy một nỗi vui sướng khó tả tràn ngập trong lòng.

Nhất là trong khi ấy thần sắc của Phật rất bình thường, dường như trong ngày hôm đó Ngài không nhuốm trọng bệnh chi cả. (A Nan Ða nào biết rằng Phật đã dùng Ðại Bát Nhã pháp để quân bình thân bệnh). Nỗi vui sướng của A Nan Ða hiển nhiên là một loại hạnh phúc biết rằng ông sắp hành thiền trong hào quang và định lực của một vị Phật.

Rồi trong một chốc sung sướng, hân hạnh, A Nan Ða lại nghe đức Phật khen ngợi cái khung cảnh vừa xinh đẹp vừa thanh tịnh xung quanh đại Thiền xá Capala, trong rừng vắng, nên ông càng thêm cản khái, quên mất trước đó không lâu một biến cố tối quan trọng xảy ra: Ðức Phật đã nhuốm trọng bệnh! Ðây có lẽ là lý do thứ hai của sự "Tăm tối", lý do vì từ lâu A Nan Ða hằng thương kính đức Phật mà chưa bao giờ có được những giây phút gần gũi thân thiết êm đềm như thế!(Nói theo kiểu phàm tình, vì A Nan Ða lúc đó chưa đạt được Thánh quả A La Hán). Nên ông đã không ngờ bổn phận "Thỉnh Phật khoan Nhập Niết Bàn" chính là bổn phận của ông, và hiện tại đang đòi hỏi ông phải làm bổn phận đó, mà ông không biết.

Có gì đáng tiếc cho bằng A Nan Ða chính là người sợ Phật Nhập Niết Bàn sớm nhiều nhất mà khi đến lúc, ông lại không biết thỉnh Phật tiếp tục sống tại thế gian. Phải chăng sự yêu thương, ái mộ phàm tình vốn là nguyên nhân đưa tâm linh của con người đi vào nẻo tăm tối?

Dẫu sao, nếu Ma Vương (Màra) không ám ảnh thì A Nan Ða đã hiểu rõ ngụ ý trong lời Phật dạy rồi. Ông không phải chỉ yêu cầu một lần, mà cho đến một nghìn lần, ông cũng sẽ sẵn sàng vui vẻ năn nỉ Phật tiếp tục trên thế gian này để cứu độ chúng sanh. Và chỉ cần một lời yêu cầu thôi, lóng từ bi vô lượng của đức Phật sẽ tỏa rộng và Ngài sẽ không sớm nhập Niết bàn.

Sự cần thiết phải có người yêu cầu Phật "Khoan nhập Niết Bàn" như thế, là một điều thần bí trong kinh điển Pàli (Phạn ngữ). Người Phật tử khi nghiên cứu về khía cạnh siêu hình trong đạo Phật sẽ thấy nhức óc.

Xưa nay chúng ta vẫn hiểu rằng: Tuổi thọ của một kiếp người là do kết quả của toàn thể những cộng nghiệp (thiện ác lẫn lộn) mà người ấy đã tạo ra trong kiếp trước.

Nhưng trường hợp của đức Phật thì hơi khác. Vì kiếp thành Phật là kiếp chót, nên tuổi thọ của một vị Phật là di quả lưu lại của hằng hà sa số kiếp trước. Có thể có những di quả phi thiện hay trung hòa quá yếu nào đó, nằm trong vô thỉ kiếp xa xưa đã không đuổi theo kịp tiền thân Phật, nên Ngài chưa trả, thì khi thành Phật Ngài phải trả.

Người ta gọi những di quả quá yếu ấy là quả Tuỳ nhân duyên. Nghĩa là khi có lý do chính đáng đức Phật có thể chuyển hóa chúng được. Do đó tuổi thọ của một vị Phật sẽ ngắn hay dài vốn tùy theo sự chuyển hoá các di quả Tùy nhân duyên ấy.

Và lý do chính đáng vừa nói chính là phải có người thiện tâm yêu cầu đức Phật tiếp tục cuộc sống trên thế gian để độ cứu chúng sanh. Khi nghe lời yêu cầu ấy lòng từ bi của một vị Phật sẽ tự động tỏa rộng đến vô cực và làm chuyển hóa mọi hiệu lực của quả Tùy nhân duyên kia.

Cũng có người nói rằng: Ðức Phật là một bậc toàn tri. Ngài biết rõ mọi điều mong ước của tất cả chúng sanh, nên không cần ai yêu cầu, Ngài vì lòng từ bi sẽ tự động sống lâu trên thế gian để độ đời!


Ðiều này rất đúng, nhưng chỉ đúng khi thân Phật nằm trong trạng thái bình an, không thọ bệnh. Còn khi nhục thân bị trọng bệnh hoành hành, và tâm Phật nằm trong các bậc thiền, nhất là thiền Bát Nhã Vô Sắc, thì linh quang của Phật chỉ chiếu xung quanh thân Ngài mà thôi, chứ không tỏa đi xa để thấu đến những ai hữu duyên cần được cứu rỗi.
-ooOoo-

{Còn tiếp}

Hỏi - Đáp: Làm sao niệm Phật được nhập tâm

HỎI : Con đi làm ở xí nghiệp về còn phải lo việc nhà, quá bận rộn nên con không có thì giờ để niệm Phật nhiều theo định khóa. Vậy con phải làm sao để được nhập tâm?

ĐÁP : Mục đích của định khóa là giúp cho hành giả tránh lười biếng, giải đãi, tinh tấn hành trì mau thành tựu chí nguyện. Trường hợp liên hữu quá bận rộn thì nên:

1- Áp dụng pháp “Thập-niệm” và tập niệm Phật thành thói quen như đã nêu trên câu đáp số mười hai (12A) và mười ba (13A).

2- Thực hiện lời dạy của Hám-Sơn đại sư: “Mỗi ngày đem một câu A-di-dà Phật đặt ngang ngực, niệm niệm chẳng quên, tâm tâm chẳng mê. Với hết thảy sự đời chẳng nghĩ ngợi gì đến. Chỉ lấy một câu Phật hiệu làm mạng sống chính mình. Cắn chặt hàm răng quyết chẳng buông bỏ, thậm chí ăn uống, cử động, đi, đứng, nằm, ngồi, một tiếng niệm Phật này, thời thời hiện tiền.

Nếu gặp cảnh giới thuận, nghịch, vui, giận, phiền não, lúc tâm chẳng yên, bèn đem một tiếng niệm Phật khởi lên, liền thấy phiền não ngay khi ấy bị tiêu diệt. Bởi niệm niệm phiền não là gốc sanh tử. Nay dùng niệm Phật tiêu diệt phiền não, chính là Phật độ nỗi khổ sanh tử. Nếu niệm Phật tiêu được phiền não, liền có thể ra khỏi sanh tử, không có pháp gì khác. Nếu niệm Phật đến khi làm chủ được phiền não, thì làm chủ được mộng mị. Nếu trong mộng đã kiểm soát được, thì trong khi bệnh khổ cũng làm chủ được. Nếu đã làm chủ được (bản thân) trong khi bệnh tật, thì lúc mạng lâm chung, liền biết chỗ sanh về.

Sự này chẳng khó làm, chỉ cần làm với một niệm sanh tử, tâm khẩn thiết. Chỉ cần dựa vào một mình tiếng niệm Phật, không có suy nghĩ gì khác. Lâu ngày thuần thục, tự nhiên được đại an lạc, được đại thọ dụng”.

TRÍCH :TỊNH ĐỘ THỰC HÀNH VẤN ĐÁP

Thích Minh Tuệ

HOA SEN TRONG NGƯỜI

Mai hôm ấy, kinh thành Xá Vệ rộn rịp trong cảnh phố phường buổi sáng. Trên các đường lớn ngựa xe tấp nập; từng đoàn người qua lại trong những bộ áo màu sặc sỡ. Các cửa hàng đông nghẹt những người mua. Tiếng guốc giày của những người quí phái liên tiếp vang lên tạo thành những âm thanh ồn ào náo nhiệt. Nhưng đi sâu vào các đường hẻm thì những cảnh sống hình như vui tươi, giàu mạnh của số đông người trong hai giai cấp Sát Ðế Lợi và Bà La Môn ấy không còn nữa, mà những cảnh bần cùng, đen tối của hai hạng người Tỳ Xá và Chiên Ðà La hiện ra quá rõ rệt: những chiếc nhà lá thấp lè tè, chật hẹp, đóng cửa từ sáng sớm… Những đứa trẻ đang đùa giỡn chọc ghẹo nhau trên vệ đường. Những người tàn tật nghèo khổ lũ lượt đi từ nhà này sang nhà nọ xin nhờ sự bố thí một cách khó khăn…

Như lệ thường, sáng nay Ðức Thế Tôn vào thành để giáo hóa. Bình đẳng, không phân biệt nghèo, giàu, sang, hèn; Ngài đi hết phố này đến xóm khác.

Ni Ðề, một thanh niên thuộc giai cấp Chiên Ðà La, giai cấp thấp nhất ở Ấn Ðộ, đang gánh một gánh phân chạy lon bon trên con đường xóm, thấy Ðức Phật, chàng bối rối, sợ sệt, vội rẽ qua đường khác và tự thanh trách; chàng nghĩ rằng mình đã sinh vào nơi thấp kém mà còn phải làm những việc đê hèn như thế này nữa, thật là vô phước quá, đồng là người thì tại sao người ta lại dìm nhau trong cuộc sống? Tuy rẽ qua đường khác nhưng đôi mắt chàng vẫn đăm đăm hướng về hình ảnh trang nghiêm; sáng rực hào quang của Ðức Phật. Một sự ước ao trào dậy trong lòng chàng: Ôi! Biết bao giờ ta được trực tiếp gặp Ðức sáng suốt kia. Càng nhìn lòng chàng càng cảm mộ. Tuy chưa gặp Ðức Phật lần nào, song đức hạnh hoàn toàn của Ngài, chàng được nghe nhiều người kể lại.

Hiểu tâm niệm Ni Ðề qua những cử chỉ rụt rè và đôi mắt đăm chiêu, Ðức Phật bước nhanh về phía Ni Ðề. Thấy Phật đến, Ni Ðề hoảng hốt: Vì tự thấy mình nhớp nhúa không đáng gần Phật, phần sợ người bắt tội nên chàng nhanh chân lẩn tránh.

- Con ôi! Như Lai đến với con đây! Sao con lại tránh? Ðức Phật ở xa nói lại với một giọng trong thanh, êm ái.

Ðể đôi thùng xuống, run rẩy Ni Ðề quỳ thưa:

- Bạch Ngài con không dám… Có điều chi dạy bảo xin Ngài ban cho, xin Ngài đừng đến gần con…

Ðức Phật bước thêm và đến sát Ni Ðề. Ni Ðề cúi xuống và sắc mặt biến xanh, ra vẻ sợ sệt lắm. Nở một nụ cười chan chứa tình thương Ðức Phật nói:

- Con ơi! Không ai có quyền bắt tội con đâu, vì chính Như Lai đến với con, chứ không phải con đến với Như Lai. Hơn nữa Như Lai nay không phải là người trong giai cấp vua chúa như Thái tử Tất Ðạt Ða ngày xưa, mà là người của tất cả chúng sanh, nhất là hạng người đau khổ như con. Như Lai muốn nói với con một vài câu chuyện… Nghe qua những lời nói dịu hiền và có lý của Ðức Phật, Ni Ðề bớt lo sợ và nhìn Ðức Phật một cách kính mến, chàng thưa:

- Chẳng hay Ðức Thế Tôn vẫn đoái hoài đến người cùng khổ này sao? Và con đây cũng được Như Lai dạy bảo và được thật hành theo đạo của Như Lai nữa sao?

Một cách nghiêm nghị Ðức Phật hỏi: Ai đã làm cho các con thắc mắc những điều ấy?

- Bạch Thế Tôn: những đạo sĩ Bà La Môn thường nói chỉ có giai cấp họ và người trong dòng Sát Ðế Lợi mới có quyền thờ kính Hiền Thánh và có quyền giao thiệp với người đồng giai cấp, chứ bọn con thuộc dòng hạ tiện không có phép làm những việc của họ làm và phải trọn đời phục dịch họ…

Ni Ðề muốn nói nhiều nữa song Ðức Phật ngắt lời và hỏi:

- Vậy con không biết Như Lai ra đời để cứu khổ cho chúng sanh bằng cách phá tan những sự mê tín dị đoan, ỷ lại thần quyền và đưa chúng sanh đến cuộc sống bình đẳng và an vui sao?

Thôi, giờ đây, con có muốn sống một đời sống tươi đẹp và rộng rãi không? Và con muốn sống gần Như Lai không?

Sung sướng muốn chảy nước mắt, Ni Ðề đáp: - Ðó là điều mà con tưởng không bao giờ thực hiện được; nếu được Như Lai cứu độ thì đó là một phước lành của con vậy.

Dịu dàng Ðức Phật cầm tay Ni Ðề dắt đến bờ sông gần đấy… Tắm rửa xong, Ni Ðề theo Ðức Phật trở về Tịnh xá Kỳ Hoàn được Phật và Giáo Hội thâu nạp cho là Tỳ kheo, qua một thời gian tinh tấn tu luyện vị Tỳ kheo mới nhập đạo này đắc quả Tu Ðà Hoàn rồi lần chứng quả A La Hán.

Bấy lâu Ba Tư Nặc vương bất bình và không hiểu tại sao Ðức Phật là người của dòng hào thế Thích Ca mà lại độ đệ tử phần nhiều là những người ở hai giai cấp dưới. Nay lại được nghe Ðức Phật vừa độ cho Ni Ðề, ông càng bất bình hơn nữa. “Ðảnh lễ - ai chứ ta không đảnh lễ anh chàng Ni Ðề được…!”. Ba Tư Nặc vương lẩm bẩm như vậy. Càng nghĩ càng tức giận, Ba Tư Nặc vương liền cùng với các vị cận thần đi đến Tịnh xá Kỳ Hoàn để xin Phật đừng độ cho Ni Ðề là Tỳ kheo và từ rày về sau đừng cho những người thuộc cấp hạ tiện (theo quan niệm của ông và những người trong hai giai cấp trên) xuất gia.

Vừa đến tam quan Tịnh xá Kỳ Hoàn, thấy một vị Tỳ kheo đang ngồi trên một hòn đá lớn khâu vá chiếc áo cũ, Ba Tư Nặc vương liền đến nhờ vị Tỳ kheo ấy vào bạch Phật xin cho ông yết kiến. Nhận lời, vị Tỳ kheo liền xuyên qua hòn đá và ẩn mình đâu mất, làm cho Ba Tư Nặc vương và các cận thần hoảng sợ nhưng vô cùng khâm phục!

Một lát sau, cũng từ hòn đá ấy hiện ra, vị Tỳ kheo khi nãy trả lời cho Ba Tư Nặc vượng:

- Ðại vương cứ vào, Ðức Thế Tôn đã hứa cho.

Ba Tư Nặc vương bái chào rồi đi ngay vào tịnh xá.

Ðảnh lễ Ðức Phật xong, Ba Tư Nặc vương liền hỏi:

- Bạch Thế Tôn! Thầy Tỳ kheo vừa xin cho con vào yết kiến là ai và tên là gì mà có thần thông quảng đại như vậy? Thầy đã xuyên qua đá cứng một cách nhẹ nhàng, tự tại…

- Ðại vương! Ấy là Ni Ðề, người gánh phân ở thành Xá Vệ mà ta đã độ cách đây hơn một tháng, nay đã chứng quả A La Hán nên đã có những thần lực như vậy.

Thấy Ba Tư Nặc vương im lặng và ra chiều suy nghĩ, Ðức Phật ôn tồn nói thêm:

- Này Ðại vương! Trong đất bùn nhơ nhớp nở lên những cánh sen đầy hương thơm tinh khiết. Ðại vương có thích và có ưa hái khống?

- Bạch Thế Tôn! nếu là hoa đẹp hương thơm thì không ai không quý và không muốn hái để ngắm nghía và trang hoàng cả.

- Ðại vương! Cũng vậy tuy là người ở trong các giai cấp dưới (ấy là do con người phân chia), nhưng nhờ sự trau dồi đức hạnh, rèn luyện trí tuệ mà trở thành Thánh Hiền thì người trí tuệ có nên cung kính cúng dường không?

- Bạch Thế Tôn! Ðã là Thánh Hiền thì rất đáng cho phàm phu chúng con cung kính cúng dường lắm!

- Lành thay! Ðại vương quả là người sáng suốt biết quý trọng “giá trị chân thật” của con người.

Mặt trời làm tan mây mù ra sao thì những lời của Ðức Phật cũng làm tan những ý niệm khinh rẻ chán ghét Ni Ðề và các người trong hai giai cấp dưới của Ba Tư Nặc vương thế ấy… Bắt đầu từ đó ông vô cùng kính phục tài năng và đức hạnh của Ni Ðề, vị Tỳ kheo mà ông đã gặp ở tam quan.

Ba Tư Nặc vương lại xin Phật cho thỉnh A La Hán Ni Ðề ngày mai vào nội thành để giáo hóa cho hoàng tộc và nhân dân và cũng để ông cúng dường luôn thể. Phật hứa cho, Ba Tư Nặc và các vị cận thần đảnh lễ và trở ra tam quan để trực tiếp cung thỉnh vị A La Hán thần thông tự tại khi nãy.

Ðược vị A La Hán này chấp nhận, Ba Tư Nặc vương vô cùng sung sướng. Trên đường về ông không ngớt tán thán Ðức Phật, đấng hiện thân của bình đẳng và Giáo Hội của Ngài là một đoàn thể đầy đủ tài năng và đức độ.

LỜI CHÚC NGUYỆN ĐẦU NĂM


"Khái niệm thời gian có thể hiểu như một năm là quả đất quay quanh mặt trời một vòng, một tháng là mặt trời quay quanh quả đất một vòng, một ngày là quả đất tự quay một vòng. 
Kim đồng hồ chạy một vòng 24 giờ trong một ngày. Một giờ chia sáu mươi phút. Một phút chia sáu mươi giây và một giây chia ra nhiều sao. Trong thuật từ Phật giáo, đơn vị chỉ thời gian ngắn nhất là sát na, chỉ lâu bằng cái chớp mắt, trên đơn vị thì có thập niên, thế kỷ, thiên nhiên kỷ. Trong Phật giáo lại có thời gian dài hơn là tiểu kiếp, trung kiếp, đại kiếp, a tăng kỳ kiếp và đại a tăng kỳ kiếp."

Thời gian vô hạn, không gian vô cùng. THỜI GIAN TỰ NHIÊN THÌ KHÔNG TRỞ LẠI, MỖI SÁT NA CHỚP MẮT TRÔI QUA LÀ TRỞ THÀNH QUÁ KHỨ SAU LƯNG KHÉP KÍN, nhưng thời gian vật lý thì có tuần hoàn, hết ngày đến đêm, hết đêm đến ngày. Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu liễm và Đông tàn; rồi lại xuân, hạ, thu, đông tuần tự. Vạn vật sống trong thời gian vật lý đó bị chi phối theo thời gian sanh, trụ, dị, diệt, như chồi mầm, trưởng thành, già cỗi và lá vàng úa chết. Rồi theo nhịp tâm đang vô thường mà vận hành chuyển động thành dòng phận đoạn sanh tử trong bản chất vốn tự chân thường.

GIAO THỪA là một khái niệm chỉ cho thời gian nhất định được nối kết giữa sự kết thúc và bắt đầu của một chu kỳ như thời điểm chuyển giao của một năm, một thiên niên kỷ. KHÁI NIỆM GIAO THỪA BAO GỒM CÁI CŨ VÀ CÁI MỚI.
- Cái cũ là sự kết thúc đang đi qua như quá khứ không quay trở lại.
- Cái mới là sự bắt đầu đang đến và sẽ đến với tràn trề hy vọng trước mắt. Cái cũ là điểm kết của một quá trình trước đó và cái mới là khởi điểm của một tiến trình tiếp theo. Ở đây, điểm kết đồng thời làm nhân cho điểm khởi đầu và ngược lại, điểm khởi đầu đồng thời là điểm kết thúc của sự chuyển giao.

Cũng thế, giao thừa là điểm khởi đầu cho một năm, cho một cuộc đời chúng ta. Vào giây phút thiêng liêng giao điểm giữa đêm 30 và ngày đầu xuân năm mới ấy, TRƯỚC CHÁNH ĐIỆN ĐẠI HÙNG TRANG NGHIÊM, VỚI CẢNH VẬT TRANG TRÍ XINH TƯƠI, LÒNG NGƯỜI HOAN HỈ, HÃY NHẮM MẮT VỚI TRỌN VẸN TÂM HỒN THUẦN NHẤT VÀ HÃY NÓI LÊN NHỮNG ƯỚC MƠ CHÂN THÀNH, VỊ THA VÀ THÁNH THIỆN NHẤT.

 Chúng ta xin nguyện trọn thân tâm này sống sáng suốt, thức tỉnh theo cuộc đời đạo hạnh giải thoát và hoằng dương chánh pháp.
 Chúng ta xin nguyện dõng mãnh làm những mạnh thường quân, phật từ thuần thành hộ trì ngôi Tam bảo thường còn mãi ở thế gian.
 Chúng ta xin chúc tất cả mọi người một năm mới thiên tăng tuế nguyệt, nhân tăng thọ; xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường (Năm tháng đi qua, người cũng già; Xuân lan khắp chốn, phước đầy nhà).
 Chúng ta cũng xin chúc nhân sinh an lạc, thế giới hòa bình, nội gia quyến thuộc hai bên quanh năm vô lượng kiết tường như ý.
Vâng, có rất nhiều lời chúc nguyện tốt đẹp trong tâm tưởng của mỗi chúng ta. Xin hãy cùng nhau làm một việc tốt đầu năm.
(LBD: DÀNH TẶNG CHO QUÝ VỊ ĐI LỄ CHÙA ĐẦU NĂM).

"Du Xuân lễ Phật đầu năm,
Lên Chùa nghe pháp tụng kinh ngồi thiền.
Nguyện xin Chư Phật chứng minh,
Hộ trì thân quyến kiết tường bình an.
Nguyện con sửa tánh làm lành
Vun trồng Phước Huệ Bồ đề mai sau."


- THÍCH NỮ GIỚI HƯƠNG -

NAM MÔ TIÊU TAI GIÁNG KIẾT TƯỜNG BỒ TÁT.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.

Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2014

CHÚ ĐẠI BI GIẢNG GIẢI (PHẦN 1)


CHÚ ĐẠI BI GIẢNG GIẢI (PHẦN 1)
----------------------------------------
Chào các vị đồng đồng đạo, hôm nay "Niệm Phật Cầu Sanh Tịnh Độ" xin được đăng tải phần CHÚ ĐẠI BI GIẢNG GIẢI của cố Hòa Thượng Tuyên Hóa. Hôm nay chúng ta sẽ học chín câu đầu trong Chú Đại Bi, những ngày sau tôi sẽ tiếp tục đăng tải những câu tiếp theo.

1. Nam mô hắc ra đát na đá ra dạ da

Khi quí vị trì niệm chú này, cũng có thể giúp tiêu trừ được những ách nạn cho quí vị. Lúc gặp tai chướng, quí vị hay thường trì niệm: Nam mô hắc ra đát na đá ra dạ da thì tai chướng ấy liền được tiêu trừ. Tai nạn lớn sẽ biến thành tai nạn nhỏ, và nếu gặp tai nạn nhỏ thì cũng sẽ được tiêu sạch. Chú này được gọi là “Tiêu tai pháp”, là một trong năm bộ chú hộ ma.
Nam mô hắc ra đát na đá ra dạ da cũng còn được gọi là “Tăng ích pháp”. Nghĩa là từ trước đến nay quí vị đã từng gieo trồng nhiều thiện căn, và vẫn thường trì tụng chú này, thì thiện căn của quí vị sẽ tăng trưởng thêm gấp nhiều lần, lợi lạc không kể xiết. Nên chú này được gọi là “Tăng ích pháp”.
Quí vị có thể niệm toàn bộ chú Đại Bi, hoặc chỉ cần niệm câu chú đầu tiên này thôi: Nam mô hắc ra đát na đá ra dạ da là “Thành tựu pháp”, bất luận quí vị muốn điều gì, thì sở nguyện sở cầu của quí vị đều được thành tựu như ý muốn. Nếu quí vị không có con trai mà muốn cầu sinh con trai, hay niệm Nam mô hắc ra đát na đá ra dạ da sẽ sinh được con trai. Nhưng quí vị phải trì niệm với tâm trí thành, không phải chỉ niệm một hai ngày rồi thôi, mà phải niệm liên tục ít nhất là trong ba năm. Nếu quí vị không có được bạn tốt, mà muốn gặp được một người, hay niệm Nam mô hắc ra đát na đá ra dạ da thì liền gặp được ngay bạn lành. Nếu quí vị trì niệm được toàn thể bài chú Đại Bi thì quá tốt, nếu không chỉ cần niệm câu đầu tiên Nam mô hắc ra đát na đá ra dạ da, cũng sẽ thành tựu những công đức không thể nghĩ bàn.
Câu chú này cũng còn được gọi là “Hàng phục pháp”. Năng lực của câu chú đó có thể hàng phục thiên ma, chế phục ngoại đạo khi nó nghe đến câu chú này.
Tuy vậy, câu chú này không phải là “Câu triệu pháp”. Khi quí vị trì niệm một câu chú thuộc trong “Câu triệu pháp” thì tất cả các loại yêu ma quỷ quái khắp nơi đều đến trình diện và có thể bắt giữ, hoặc sai khiến được chúng.
Vậy nên, câu chú Nam mô hắc ra đát ra đá ra dạ da này có công năng rất mạnh, không thể suy lường được. Nếu nói chi tiết, thì không thể nào cùng tận được.
Tóm lại, trong câu Nam mô hắc ra đát na đá ra dạ da, thì Nam mô có nghĩa là “quy mạng kính đầu”. Hắc ra đát na là “bảo”. Đá ra dạ có nghĩa là “Tam”. Da nghĩa là “Lễ”.
Nghĩa toàn câu là: “Xin đem hết thân, tâm, tính mạng của mình quy y và kính lễ Tam Bảo vô tận vô biên trong khắp cả mười phương, suốt cả ba đời”. Chúng ta phải cúi đầu đảnh lễ thường trụ Tam bảo.
Vì sao gọi là vô tận vô biên? Vì chư Phật trong thời quá khứ là vô cùng vô tận. Chư Phật trong thời hiện tại là vô cùng vô tận. Chư Phật trong thời vị lai là vô cùng vô tận. Cho nên Tam bảo là vô biên vô tận.

2. Nam mô a rị da

Nam mô như đã giảng ở trên, nghĩa là “đem hết thân tâm, tánh mạng quy y và kính lễ, học tập chư Phật và chư Bồ – tát”.
A rị có nghĩa là “Thánh giả”. Có nghĩa là người xa lìa tất cả các ác pháp. Nên Nam mô A rị da có nghĩa là kính lễ các bậc Thánh giả, người đã xa lìa tất cả các pháp bất thiện.

3. Bà lô yết đế thước bát ra da

Bà lô yết đế có nghĩa là “quán” trong danh hiệu Quán Thế Âm Bồ – tát. Cũng được dịch là “quang” từ danh hiệu Vairocana (Tỳ – lô - giá - na) nghĩa là Quang Minh Biến Chiếu – hào quang chiếu khắp mọi nơi. Còn được dịch là: “Sở quán sát” nghĩa là cảnh giới được quán chiếu, được quán sát đến.
Thước bát ra da có nghĩa là “tự tại”.
Ý nghĩa toàn câu là quán chiếu quán sát một cách rộng khắp và tự tại. Đó chính là ý nghĩa của danh hiệu Bồ – tát Quán Tự Tại, Bồ – tát Quán Thế Âm. Có nghĩa là quan sát, lắng nghe âm thanh ở cõi thế gian để cứu độ một cách tự tại.

4. Bồ đề tát đỏa bà da

Mọi người đều biết Bồ đề xuất phát từ tiếng Phạn là Bodhi. Có nghĩa là Giác.
Tát đỏa có nghĩa là “độ” là vượt qua (bể khổ) cũng như đưa người khác vượt qua (bể khổ) đến bờ giải thoát.
Bồ Đề tát đỏa bà da có nghĩa là một vị Bồ – tát đã tự giác ngộ giải thoát và giúp cho mọi chúng sinh được giác ngộ giải thoát như mình.
Bà da có nghĩa là “đảnh lễ”.
Da có nghĩa là khấu đầu đảnh lễ. Cúi đầu đảnh lễ ai? Đảnh lễ các vị Bồ – tát đã tự giác ngộ giải thoát cho chính mình rồi, còn giúp cho người khác được giác ngộ giải thoát.
Câu thần chú này là muốn nhắc đến Bồ – tát Bất Không Quyến Sách áp đại binh. Nghĩa là khi quí vị tụng câu thần chú này thì Bồ – tát Bất Không Quyến Sách đem binh tướng của cõi trời đến để hộ trì cho quí vị.

5. Ma ha tát đỏa bà da

Ma – ha có 3 nghĩa: Đại: lớn; Đa: nhiều; và Thắng: hoàn hảo.
Ma – ha với nghĩa là Đại: tức chỉ cho người phát tâm bồ đề rộng lớn.
Ma – ha với nghĩa là Đa: tức chỉ cho số lượng. Có rất nhiều người phát tâm bồ đề.
Ma – ha với nghĩa là Thắng: tức nói đến những người đã phát tâm bồ đề rộng lớn đều đạt đến chỗ thành tựu viên mãn, được nhiều lợi lạc rất thù thắng.
Tát - đỏa nghĩa của chữ Tát - đỏa trong câu chú này không giống như nghĩa trong câu trên. Trong câu chú trên, Tát - đỏa có nghĩa là “độ” – vượt qua bờ bên kia. Có nghĩa là giải thoát. Còn trong câu chú này. Tát - đỏa có nghĩa là “Dõng mãnh giả” là người can đảm, không sợ hãi. Cũng có nghĩa là “Tinh tấn giả”, là người tu hành rất siêng năng.
Bà - Da Hán dịch là “Hướng tha đảnh lễ” nghĩa là: “Con xin đê đầu đảnh lễ các vị đại Bồ – tát, là những người rất dõng mãnh, rất tinh tấn, không bao giờ sợ hãi, và nguyện phát tâm bồ đề trước chư vị Bồ – tát này.”
Các vị đại Bồ – tát đã tự giác ngộ, giải thoát cho chính mình rồi còn phát nguyện giúp cho vô số chúng sanh khác được giác ngộ và giải thoát như mình.

6. Ma ha ca lô ni ca da

Ma – ha có 3 nghĩa: lớn, nhiều và thù thắng như trên đã giảng.
Ca – lô Hán dịch là “Bi”.
Ni – ca nghĩa là “Tâm”.
Hợp lại, Ma ha ca lô ni ca có nghĩa là “Tâm đại bi”.
Da có nghĩa là đảnh lễ, như đã giảng ở trên. Toàn câu chú Ma ha ca lô ni ca da có nghĩa là: “Cúi đầu đảnh lễ thần chú Đại bi tâm Đà - la – ni.”

7. Án

Án nghĩa là “Bổn mẫu”, là “Chú mẫu” mẹ của tất cả mọi thần chú; cũng chính là “Phật mẫu” mẹ của tất cả chư Phật.
Mẹ của chư Phật có nghĩa là mẹ của nguồn tâm trong mọi loài chúng sinh, vì nguồn tâm của chúng sinh vốn có sẵn mọi trí tuệ, thường xuất sinh các pháp lành, nên gọi là “Bổn mẫu”.
Thông qua năng lực của thần chú mà mười pháp muôn được hiển bày.
- Pháp môn thứ nhất là “Tự”: là đầu nguồn, làm xuất sinh mọi chủng tự.
- Thứ hai là “Cú”. Trong kinh văn hoặc trong thần chú, “Cú” có nghĩa là một câu.
- Thứ ba là “Quán”: là quán chiếu, quán sát, vận dụng năng lực quán chiếu mà hành trì.
- Thứ tư là “Trí”: là trí tuệ, dùng thanh gươm trí tuệ để cắt đứt tất cả phiền não. Trí tuệ tức là pháp môn lưu xuất từ Bát Nhã Ba La Mật, đó là trí tuệ viên mãn nhất. Còn “quán” là lưu xuất từ pháp môn Thiền định Ba La Mật.
- Thứ năm là “Hành”: nghĩa là tu tập, nương theo giáo pháp mà hành trì.
- Thứ sáu là “Nguyện”: nghĩa là cần phải phát nguyện, nương theo giáo pháp chân chính mà tu hành.
- Thứ bảy là “Giáo”: nghĩa là y cứ theo giáo pháp chân chính mà tu hành. Nếu quí vị không nương theo lời dạy của đức Phật mà tu hành, thì dù quí vị có tu hành đến nhiều kiếp như số cát sông Hằng đi nữa thì vẫn không có kết quả gì cả. Cũng như thể nấu cát mà mong thành cơm vậy.
Tuy nhiên, để có thể tu tập xứng hợp với giáo lý chân chính của đức Phật thì trước hết, quí vị phải thông hiểu về giáo pháp đó một cách tường tận.
- Thứ tám là “Lý”: nghĩa là đạo lý. Nếu quí vị có thể nhập được vào Phật pháp vi diệu thì mới có được sự hiểu biết thông đạt về giáo pháp ấy. Nếu quí vị không khế hội được diệu pháp này, thì quí vị chỉ là người tu tập trong sự mù quáng. Dù quí vị có tu hành bao lâu đi nữa, cũng không đạt được sự thành tựu.
- Thứ chín là “Nhân”: Trong đời này quí vị phải gieo trồng những nhân thù thắng, nhân tốt lành, nhân thanh tịnh, thì quá khứ quí vị sẽ gặt được quả thù thắng, quả vi diệu và quả thanh tịnh.
- Thứ mười là “Quả”: Quả tương ứng sẽ đạt được sau khi đã gieo trồng nhân. Đó là diệu quả, quả vị giác ngộ tối thượng.
Như vậy từ chữ án, xuất sinh ra mười pháp môn vi diệu. Nên khi quí vị trì niệm thần Chú Đại Bi, niệm đến chữ án thì tất cả các loài quỷ thần đều chắp tay vô cùng cung kính, không dám tỏ ra khinh suất hoặc lơ là khi nghe hành giả trì tụng thần Chú Đại Bi. Chữ án có một năng lực mạnh mẽ mà đến nỗi khiến cho các loài ác quỷ, ác thần đều phải cung kính chấp trì. Công năng của thần chú thật to lớn, thần lực thật không thể nghĩ bàn.

8. Tát bàn ra phạt duệ

Tát bàn ra, Hán dịch là “tự tại”. Nghĩa là khi quí vị trì tụng thần chú này, thì Tứ đại thiên vương đều đến làm Hộ pháp cho quí vị.
Phạt duệ, Hán dịch là Thế tôn, cũng dịch là Thánh tôn.
Nguyên câu chú này có nghĩa là Tự tại Thế tôn. Tự tại Thánh tôn, tức là Đức Phật tự tại, ý là xưng tán Phật bảo.

9. Số đát na đát tả

Chữ Số có hai âm là Shù và Shùo. Người ta thường niệm là “Shù”.
Số Đát Na có nghĩa là “pháp” (Dharma). Pháp gì? Pháp này còn gọi là “Diệu thắng pháp”. Cũng gọi là “Cao thượng thắng sinh”. Có nghĩa là không có gì vượt trội hơn pháp này nữa. Thắng sinh có nghĩa là từ pháp này xuất sinh ra năng lực rất thù thắng.
Còn một cách dịch khác của chữ Số là “Diệu sinh” hoặc “Thắng thân”. Diệu sinh tức là vượt lên trên mọi sự vi diệu. Thắng thân nghĩa là thể của pháp ấy rất thù thắng.
Còn có một cách dịch khác nữa của chữ Số, là “Tối thượng thừa địa”. Nghĩa là cảnh giới của hành giả sẽ trải qua sau khi chứng được Thập địa của hàng Bồ – tát.
Đát Na là biểu tượng của Pháp bảo.
Đát Tả là biểu tượng cho Tăng bảo.
Cho nên toàn thể câu chú án tát bàn ra phạt duệ số đát na đát tả là biểu tượng cho Tam bảo. Có nghĩa là chúng ta phải nên ngưỡng nguyện đến sự gia hộ của Tam bảo. Nên khi trì niệm đến câu thần chú này, có nghĩa là thỉnh cầu, ngưỡng nguyện đến lực gia trì của Tam bảo.
Đát tả còn có nghĩa là dùng giáo pháp để răn dạy các loài quỷ thần và dùng thần chú để triệu tập quỷ thần đến mà dạy bảo chúng theo tinh thần chánh pháp.
--------------------------------------------
CHÚ ĐẠI BI
(Phần kinh văn)

1. Nam mô hắc ra đát na đá ra dạ da
2. Nam mô a rị da
3. Bà lô yết đế thước bát ra da
4. Bồ đề tát đỏa bà da
5. Ma ha tát đỏa bà da
6. Ma ha ca lô ni ca da
7. Án
8. Tát bàn ra phạt duệ
9. Số đát na đát tả
10. Nam mô tất kiến lật đỏa y mông a lị da
11. Bà lô kiết đế thất phật ra lăng đà bà
12. Nam mô na ra cẩn trì
13. Hê rị ma ha bàn đà sa mế
14. Tát bà a tha đậu du bằng
15. A thệ dựng
16. Tát bà tát đá, na ma bà tát đa (*) na ma bà già
17. Ma phạt thị đậu
18. Đát điệt tha, án
19. A bà lô hê
20. Lô ca đế
21. Ca ra đế
22. Di hê rị
23. Ma ha bồ đế tát đỏa
24. Tát bà tát bà
25. Ma ra ma ra
26. Ha hê ma hê, rị đà dựng
27. Cu lô cu lô yết mông
28. Độ lô độ lô phạt già ra đế
29. Ma ha phạt già ra đế
30. Đà la đà la
31. Địa lỵ ni
32. Thất phật ra da
33. Giá ra giá ra
34. Ma ma phạt ma ma
35. Mục đế lệ
36. Y hê di hê
37. Thất na thất na
38. A ra sam phật ra xá lợi
39. Phạt sa phạt sam
40. Phật ra xá da
41. Hô lô hô lô ma ra
42. Hô lô hô lô hê rị
43. Ta ra ta ra
44. Tất lỵ tất lỵ
45. Tô rô tô rô
46. Bồ đề dạ - bồ đề dạ
47. Bồ đà dạ - bồ đà dạ
48. Di đế rị dạ
49. Na ra cẩn tri
50. Địa lỵ sắt ni na
51. Ba dạ ma na
52. Ta bà ha
53. Tất đà da
54. Ta bà ha
55. Ma ha tất đà dạ
56. Ta bà ha
57. Tất đà du nghệ
58. Thất bàn ra dạ
59. Ta bà ha
60. Na ra cẩn trì
61. Ta bà ha
62. Ma ra na ra
63. Ta bà ha
64. Tất ra tăng a mục khư da
65. Ta bà ha
66. Ta bà ma ha a tất đà dạ
67. Ta bà ha
68. Giả cát ra a tất đà dạ
69. Ta bà ha
70. Ba đà ma yết tất đà dạ
71. Ta bà ha
72. Na ra cẩn trì bàn đà ra da
73. Ta bà ha
74. Ma bà lợi thắng yết ra dạ
75. Ta bà ha
76. Nam mô hắc ra đát na đa ra dạ da
77. Nam mô a lị da
78. Bà lô kiết đế
79. Thước bàn ra dạ
80. Ta bà ha
81. Án tất điện đô
82. Mạn đà ra
83. Bạt đà dạ
84. Ta bà ha
(*) Các bản hiện đang lưu hành, được trì tụng rộng rãi ở Việt Nam thiếu năm chữ này.

Thư mời từ thiện

Thư ngỏ

Kính gửi: Các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân cùng toàn thể quý Phật tử trong và ngoài nước.
Ông bà ta có câu: “Thương người như thể thương thân-Lá lành đùm lá rách ”.Trong mỗi chúng ta khi được sinh ra và lớn lên, được sống trong tình yêu thương của cha mẹ và người thân, luôn được họ chăm sóc,bảo bọc để chúng ta vô tư theo đuổi với những ước mơ của riêng mình, nhưng ở một nơi nào đó, xung quanh chúng ta còn lắm những mãnh đời bất hạnh, neo đơn, đang cần chúng ta chia sẻ và giúp đỡ. Hơn bao giờ hết, lúc này đây tại mái ấm chùa Cẩm Phong- ấp Cẩm Thắng- xã Cẩm Giang- huyện Gò Dầu- tỉnh Tây Ninh, nằm cạnh quốc lộ 22B, tại đây các cụ và các em nhỏ đang cần sự quan tâm, cần tình thương, cần sự cảm thông chia sẻ đến từ mỗi chúng ta. Từ những yêu thương đó hội “Từ Thiện Từ Tâm” tổ chức chương trình với chủ đề “Ấm Lòng Ngày Tết” với mong muốn chia sẻ, mang niềm vui đến với các cụ già neo đơn và các em nhỏ tại mái ấm. Để phần nào xoa dịu nỗi đau mà các cụ, các em phải chịu đựng trong thời gian qua. Hội “Từ Thiện Từ Tâm” dự định tổ chức chuyến đi từ thiện tại mái ấm chùa Cẩm Phong- ấp Cẩm Thắng- xã Cẩm Giang- huyện Gò Dầu- tỉnh Tây Ninh. Thời gian tổ chức ngày 26-01-2014 ( Nhằm ngày 26-12 năm Quý Tỵ). Với số lượng 200 phần:
• 140 suất cho người già gồm: 1 khăn mặt, 1 lóc sữa, 1 xà phòng tắm, 1 hộp kẹo (Sugus), 10 gói cháo, 10 gói mì,1 lon sữa đặc.
• 60 suất cho trẻ em gồm: 10 quyển tập, 1 lóc sữa, 1 hộp kẹo (Sugus), 1 bút chì, 1 thước, 1 cục tẩy, 1 bánh mì ngọt, 2 bút bi,2 viên sôcôla.
Cùng tịnh tài, tịnh vật (200 kg Gạo, 20 Thùng mì, 20kg Đường, 5 kg Hạt nêm, 100 Chai nước tương, 10 lít Dầu ăn) cúng dường Tam Bảo, với kinh phí dự tính cho chuyến đi là: 45.000.000đ ( Bốn mươi lăm triệu đồng). Hội mong muốn mọi người cùng chung tay góp sức cho hội để được hoàn thành sở nguyện. 
Trước khi dứt lời thay mặt ban tổ chức chúng tôi xin kính chúc toàn thể các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân cùng toàn thể quý phật tử trong và ngoài nước thân tâm thường an lạc, gia đình hạnh phúc , phát triển thiện tâm , thành tựu thiện nghiệp , sung mãn vật chất , dồi dào tinh thần , thăng hoa trên đường đạo , thuận lợi trên đường đời , vạn sự kiết tường như ý.
( Mọi chi tiết đóng góp xin vui lòng liên hệ: Thầy Thích Hoằng Nghệ . SĐT: 0906.634.632 hoặc 0938.873.878).

NAM MÔ CÔNG ĐỨC LÂM BỒ TÁT MA HA TÁT.o

Thứ Hai, 10 tháng 2, 2014

Ba Nghiệp Thanh Tịnh

Một vị thiền sư đi hành cước ngang một thôn ấp nọ, tìm tới nghỉ tại một ngôi chùa bỏ vắng lâu năm. Dân làng kéo tới khuyên thầy đi nơi khác, thầy hỏi duyên cớ, họ kể: 

- Bạch Thầy, ngôi chùa này có con quỷ xuất hiện vào lúc nửa đêm, khóc than thảm thiết rùng rợn, khiến chúng con phải dời nhà đi chỗ khác không dám ở gần. Nguyên do là ngày xưa nghe đâu có vị trụ trì ở đây chết hóa thành quỷ. 

- Tại sao? 

- Dạ bạch, vị sư ấy đã già khi ốm nặng, các đệ tử theo lời y sĩ đổ súp gà cho thầy lai tỉnh. Lúc tỉnh dậy thầy hỏi đã cho thầy uống thuốc gì và khi được biết họ đã đổ súp gà, thầy giận đến ngất đi và chết luôn. Từ đấy đêm nào cũng có quỷ xuất hiện ngâm lên hai câu: 

Lâm bệnh ngọa tại sàng 

Nhất Dạ ẩm kê thang 

(Liệt giường bệnh hành ta 

Nên uống phải súp gà).

rồi khóc lên tru tréo rất thê thảm. 

Vị thiền sư nghe qua câu chuyện quyết định ở lại ngôi chùa hoang đêm ấy. Ngài thức chờ khi quỷ xuất hiện ngâm hai câu: 

Lâm bệnh ngọa tại sàng, 

Nhất dạ ẩm kê thang

Ngài bèn ngâm tiếp: 

Tam nghiệp hằng thanh tịnh 

Đồng Phật vãng Tây phương.
(ý nói dù uống lỡ súp gà, nhưng ba nghiệp thân khẩu ý thường thanh tịnh, thì vẫn có thể sang Tây phương gặp Phật).
Quỷ nghe xong, biến mất, từ đấy không xuất hiện nữa.
Ni Sư Thích Nữ Trí Hải

Duyên Xưa Nghiệp Cũ

Câu chuyện xẩy ra ở một nhà giàu tại Trung Quốc ngày xưa. Truyền thống "Cải gia vi tự" (biến nhà thành chùa) bắt nguồn từ đấy. 

Một gia đình rất giàu sửa soạn nhà cửa đón dâu. Phú ông đang bận rộn với việc đám cưới thì gia nhân vào báo, có một vị sơn tăng đến khất thực hóa duyên. Vốn là người mộ đạo, phú ông vội vàng ra nghênh tiếp, mời Sư vào nhà, thỉnh ngồi ở ghế thượng khách. Nhưng vị Sư chỉ chống tích trượng đứng cười ha hả. Lạ lùng trước cử chỉ nhà Sư, nhưng phú ông không dám nghĩ đấy là người cuồng. Bởi trông mọi dáng vẻ Ngài đều có tiên phong đạo cốt, phú ông quyết đấy không phải là người tầm thường giả bộ. Ngước nhìn đôi mắt sáng như sao của nhà Sư, phú ông bất giác rơi lệ quỳ mọp xuống: 

- Bạch hòa thượng, đệ tử ngu dốt, nay có phước duyên được người chiếu cố, xin người từ bi dạy bảo! 

- Hà hà. Chúng sinh mê muội, làm tội ác tày trời còn hí hửng đánh trống thổi kèn. 

Trong khi nhà Sư nói vậy, thì từ nhà sau vọng lên tiếng lợn kêu thống thiết. Vị Sư tiếp: 

- Con heo đó là cha ngươi ngày trước. Vì tham tiếc cái gia tài, ông đã tái sinh làm con heo sau chuồng nhà ngươi. 

Phú ông đầm đìa nước mắt bạch: 

- Bạch hòa thượng, quả đúng như vậy, cha con khi sắp chết cứ thao thức tiệc cái gia tài của cải một đời mồ hôi nước mắt này, và dặn đi dặn lại chúng con phải giữ gìn đừng hoang phí. 

Nói rồi vội bảo gia nhân đình chỉ việc giết heo. Nhà sư lại nói tiếp: 

- Còn đứa con gái nhà ngươi sắp cưới cho con ngươi là ai biết không? 

- Bạch hòa thượng, đó là con gái nhà láng giềng của con. Hai trẻ có cảm tình với nhau từ nhỏ, nên khi chúng thành niên con cho chúng tác hợp thì có gì sai quấy. 

- Hà hà. Mới bà bà cháu cháu đó, mà nay là vợ vợ chồng chồng. Than ôi chúng sanh có mắt như mù. 

- Bạch hòa thượng, xin hòa thượng từ bi khai thị cho kẻ ngu muội. Con không được rõ thánh ý. 

- Có gì là mờ mịt đâu, chỉ vì ngươi không thấy! Đứa con gái kia là mẹ ngươi ngày trước. Do vì khi sắp chết, người lưu luyến đứa cháu nội không nỡ rời, nên thần thức đầu thai lại cõi đời để sống gần nó. 

Phú ông nhẩm lại, thì quả nhiên cô gái thua cậu 4 tuổi, nghĩa là cô ra đời đúng lúc bà mẹ ông mất, lúc con trai ông lên bốn. 

- Bạch hòa thượng quả như ngài nói, mẹ con khi mất đã cầm chặt lấy tay đứa cháu nội, bà rất yêu cháu vì nó là đứa cháu trai duy nhất. Nay sự tình đã vậy thì con không dám làm việc ác tày đình thế kia. Xin hòa thượng chứng minh cho con được thế phát xuất gia, biến nhà thành chùa. 

Rạp trang hoàng cho tiệc cưới trong chốc lát được sửa lại thành đạo tràng. Phú ông cung thỉnh vị sư lên tòa thuyết pháp cho bá tánh đến dự và coi đám cưới. Nghe xong thời pháp, mọi người đều xin quy y tam bảo, từ bỏ sát sinh. Chú rể xin cha theo vị hòa thượng về núi tu hành, còn cô dâu nguyện trọn đời ở vậy phụng dưỡng cha mẹ cho đến khi hai thân khuất núi, rồi cô cũng xuất gia. 

LỜI BÀN: 

Khi còn nhỏ xa cha mẹ lớn lên đã quên mất mặt mày, huống nữa là đời trước với đời sau. Trong vòng luân hồi vô tận, chúng ta đã trải qua vô số đời sống trên mặt đất, và đã có dịp làm con cái của tất cả mọi chúng sinh. Do đó kinh Bồ tát giới cấm sát sinh và dâm dục là vậy. Sát sinh thì không khác gì giết cha mẹ của mình, còn dâm dục cũng đồng nghĩa như loạn luân. Bởi lẽ đó, suy nghĩ cho cùng thì ... chỉ còn nước vô chùa tu là thượng sách, khỏi mắc tội. Hay ít nhất, không vô chùa tu hãy làm như Thúy Kiều ở đoạn cuối: 

Từ rày khép cửa phòng thu, 
Chẳng tu thì cũng như tu mới là.
Ni Sư Thích Nữ Trí Hải

Hoa Sen Giữa Bụi Đời

(Một mẫu truyện Liêu Trai do Hòa thượng Già Lam kể)
Mặc dù có một bà mẹ rất thuần thục trong niềm tin Phật, Nhạc Trọng, đứa con một của người mẹ góa, vẫn chơi bời lêu lổng từ tấm bé. Mẹ chàng trường trai, thờ Quan Âm Bồ Tát; nhưng chàng thì chỉ "thờ" một món rượu thịt, luôn luôn chè chén say sưa. Bà mẹ vì quá yêu con, không bao giờ cấm đoán ngăn cản chàng, hay ép buộc chàng theo đức tin của mình. Nhạc Trọng được tự do, nhưng cũng rất thương mẹ mặc dù đường ai nấy đi - có lẽ nhờ được tự do, mà chàng càng thương mẹ. Năm ấy, chàng được 30 tuổi, bà mẹ thấy mình không còn sống lâu, muốn cưới vợ cho chàng để khi yên bề gia thất, họa may chàng có bớt lêu lổng rượu chè. Bà hỏi ý, chàng cũng bằng lòng cho vừa ý mẹ. Nhưng vừa cưới vợ về được một hôm, chàng đâm chán ngấy một cách lạ lùng, và xin mẹ để cho nàng dâu về nhà, vì chàng chỉ muốn tiếp tục sự nghiệp rượu thịt mà thôi. Thấy chàng nhất quyết, bà mẹ đành chìu lòng, trả nàng dâu về với một lời xin lỗi, và rất nhiều tặng phẩm. 

Từ đó Nhạc Trọng được tự do trở lại với nghiệp ăn chơi lêu lổng cố hữu của chàng. 

Một hôm, bà mẹ ngã bệnh nặng, hấp hối vào lúc nửa khuya. Do một tiền oan nghiệp chướng gì không biết, bà bỗng dưng khao khát được nếm mùi thịt nướng trước khi nhắm mắt, mặc dù đã trường trai mấy chục năm. Trước cảnh mẹ lăn lộn trên tử sàng, đòi thịt nướng, Nhạc Trọng bèn đi ra, xẻo ngay một miếng thịt trên bắp vệ của mình, bỏ thêm tiêu hành nước mắm nướng lên đem dâng mẹ. Bà mẹ vừa được miếng thịt thấm môi thì tắt thở. 

Nhạc Trọng chôn cất mẹ xong, thì gặp lúc trong nước có lễ hội Vu Lan. Thiện nam tín nữ họp thành đoàn thể đi dự hội, cùng để chiêm bái một pho tượng Quan Âm lộ thiên mới khánh thành ở một ngôi chùa trên núi xa. Nhớ đến mẹ sinh tiền thờ Quan Âm Bồ Tát, Nhạc Trọng cũng thu xếp lên đường dự hội. 

Nhưng vì suốt đời chàng chưa từng tham gia những đám rước, cũng không hề lui tới chùa chiền, nên Phật tử không ai biết tới chàng, nghĩ chàng có lẽ là một kẻ phá đám nên không ai cho gia nhập. Nhạc Trọng phải đi lùi ra sau xa, ngoài lề đám diễn hành. Những kẻ ngoài lề ấy gồm đủ hạng: dân bán cà rem, bán hàng rong, dân ghiền xì ke ma túy, gái điếm, con mồ côi, trẻ móc túi, bụi đời... Chàng phải đi trong bọn người này theo đuôi đoàn lữ hành. Chẳng bao lâu, chàng kết nạp được một cô gái làm bạn đường, đó là một gái điếm đã chán đường ong bướm, muốn tìm đến một nơi thiêng liêng để an nghỉ tâm hồn. Cả hai kẻ bụi đời kết bạn rất tương đắc. Họ kéo nhau vào quán rượu trước sự mỉa mai khinh bỉ của mọi người trong đoàn hành hương. Nhưng hai người không để ý, cứ tự nhiên gọi rượu thịt cùng nhậu nhẹt. Trong khi họ đàm đạo, thì một đứa bé mặt mũi sáng sủa trong đám trẻ bụi đời đến chìa tay xin tiền. Thấy thằng bé kháu khỉnh, chàng hỏi con cái nhà ai thì nó bảo không biết, mẹ chết, nó đang đi tìm bà con thân thích để gởi tấm thân. Vì hy vọng trong đám hội toàn quốc này thế nào cũng gặp được bà con, nên nó có mang theo bức thư tuyệt mệnh của mẹ nó. Nói xong nó liền móc trong túi găm kỹ một bao thư đã nhàu, màu mực đã phai. Đọc xong bức thư, Nhạc Trọng mới té ngữa người ra: thằng bé chính là con của chàng! Chàng kể sơ cho cô bạn biết câu chuyện. Nghe xong cô tình nguyện đem đứa bé về ở với hai người. Cô sẽ nuôi nó cho đến khi khôn lớn. Nhạc Trọng bằng lòng, nhưng giao hẹn trước: 

- Chúng ta có thể sống với đứa bé dưới một mái nhà, nhưng tôi yêu cầu nàng một điều là giữa chúng ta chỉ có tình bạn. Và một khi tôi uống rượu say thì xin nàng hãy lánh mặt đi chỗ khác. 

- Được rồi. Đó cũng là ý nguyện của tôi. Tôi chỉ muốn nuôi đứa bé này làm phước, và ở với anh cho có bạn mà thôi. 

Sau khi thỏa thuận, họ tiếp tục cùng nhau lên đường, dắt theo đứa bé bây giờ là con của họ. Gần đến chùa chỉ có đoàn hành hương mới được vào cổng, những kẻ ngoài đoàn phải dừng bước ở bên ngoài, ăn nhờ ngủ đậu trong các quán xá ven đường. Nhưng tượng Quan Âm lộ thiên rất lớn, hai người có thể trông thấy từ đàng xa. Khi đến gần, hai người bất giác sụp lạy. Chàng đảnh lễ tượng, trong lòng thiết tha nhớ đến mẹ ngày xưa. Nàng chiêm ngưỡng nét bình an trong sáng của pho tượng với cành dương như quét sạch bao ô nhiễm sóng gió trong cuộc đời. Nàng tìm thấy một niềm bình an tuyệt đối, và bất giác rơi lệ. Khi ngẩng lên thì với chàng, trên ngàn cánh sen có ngàn hình ảnh mẹ, với nàng, ngàn ánh mắt Từ bi đang nhìn suốt tâm can: kể từ đây, đời họ được an nghỉ. 

Sau khi chiêm bái trở về, họ sống chung dưới một mái nhà. Ngày ngày cô gái, Quỳnh Hoa, dọn dẹp nhà cửa chăm sóc, dạy dỗ đứa bé, Nhạc Trọng thì vẫn tiếp tục những cuộc rượu chè, nhưng dần dần thưa thớt, và chàng trở nên trầm ngâm, ưa cô tịch. Trải qua ba mươi năm như vậy, một hôm chàng gọi Quỳnh Hoa vào phòng riêng, một cử chỉ chàng chưa từng làm, khiến nàng rất đỗi ngạc nhiên. Khi nàng vào, Nhạc Trọng lại còn vén đầu gối cho nàng xem mà nói: 

- Mẹ tôi sắp gọi tôi về. Tôi muốn cùng nàng từ biệt. 

Ở cái chỗ chàng xẻo thịt cho mẹ, mọc lên một cục thịt hình hoa sen nở. Quỳnh Hoa lấy tay bóp những cánh sen lại mà bảo: 

- Chúng ta làm bạn với nhau đã 30 năm, anh không chờ tôi được sao? 

Nói xong, nàng thu xếp trở về quê cũ, bán vườn tược nhà cửa, tậu một số vốn để lại cho đứa con của chàng cưới vợ, rồi trở lại bảo chàng: 

- Bây giờ, tôi đã làm xong công việc. Cám ơn anh đã có lòng chờ tôi. Chúng ta sẽ cùng về với Phật. 

Mỗi người vào phòng riêng, ngồi xếp bằng chắp tay niệm Phật vãng sinh cùng một lúc.
Ni Sư Thích Nữ Trí Hải

Chú vượn tinh khôn

Vào một trong những tiền kiếp xa xăm, Đức Thế tôn làm một con vượn chúa có sức mạnh phi thường và trí khôn vô địch. Vượn sống cạnh bờ sông đối diện một hòn đảo. Trên đảo có một rừng cây sai quả ngon ngọt. Giữa hòn đảo và bờ sông không một chiếc cầu, nhưng có một mỏm đá nhô lên giữa sông. Vượn nhờ hai chân dài nhanh nhẹn, nên chỉ cần một phóc nhảy từ bờ sông qua mỏm đá, và một nhảy nữa từ mỏm đá lên đảo là đã có thể tha hồ tung tăng trong rặng cây. Vượn ngày ngày qua hòn đảo ăn trái và dong chơi trong rừng bằng lối ấy, đến chiều mới nhảy trở về. 

Khúc sông ấy có một đôi vợ chồng cá sấu cư ngụ. Cá sấu vợ mang thai gần đến ngày sinh nở. Trông thấy vượn chúa ngày ngày qua lại mỏm đá, cá sấu bỗng đâm ra thèm thuồng ăn tươi trái tim của vượn. Bà bảo chồng: 

- Ông đi, tôi thèm ăn cái tim con vượn kia. Ông hãy tìm cách giết nó mau moi tim cho tôi ăn. 

Cá sấu chồng bảo: 

- Bà đã bảo thì tôi sẽ kiếm cách làm cho bà toại ý. Nhưng phải kiên nhẫn chờ tôi nghĩ kế mới được. Vượn khôn lanh lắm. 

Bà vợ giận dỗi nói: 

- Nghị, nghĩ cái gì? Ông phải leo lên nằm ngay bây giờ trên mỏm đá, đợi nó ở rừng nhảy ra là thộp ngay cho tôi ăn tim. 

- Bộ bà tưởng công việc dễ dàng lắm sao? Trước hết, vượn rất khôn lanh, mà nó những bốn tay chân, còn tôi chỉ có một cái đuôi thì làm sao địch nó nổi. 

Bà sấu quát lên: 

- Vậy thì cái bộ răng nhọn hoắc của ông để làm gì? Thôi tôi biết rồi, ông không thương tôi, ông muốn để cho tôi chết đói cả mẹ lẫn con. 

Nói rồi bà khóc rưng rức bằng nước mắt của cá sấu. Ông sấu vốn sợ vợ nên chiều lòng bà ngay: 

- Được bà hãy chờ tôi. 

Ông sấu leo lên nằm trên mỏm đá chờ. Khi ra khỏi rừng, vượn toan nhảy lên mỏm đá trở về như mọi khi thì bỗng nó chú ý cái chiều cao khác thường của mỏm đá. Nó không biết đó là vật gì, bèn nghĩ ra một kế, gọi lớn: 

- Đá đi, đá! 

Không nghe trả lời, vượn lại gọi: 

- Đá đi, đá! 

Lần thứ ba, vượn giả bộ ngạc nhiên hỏi: 

- Ô hay, tại sao hôm nay tôi gọi mãi anh vẫn làm thinh như vậy, anh Đá? 

Cá sấu giật mình nghĩ: "thì ra ngày thường mỏm đá này có nói chuyện với nó. Vậy mình cũng phải lên tiếng cho nó khỏi sanh nghi." Bèn nói lớn: 

- Này vượn, có tôi đây. Cái gì thế? 

- Tôi là ai? 

- Tôi là cá sấu! (vừa thốt ra, sấu biết mình hớ) 

- Anh ngồi làm chi đó? 

Đã hớ, sấu nói luôn: 

- Để thộp ngươi và moi tim ngươi cho vợ ta ăn. 

Thấy thế nguy, nhưng vượn vẫn điềm nhiên bảo sấu: 

- Như vậy thì tôi không còn cách nào thoát được. Thôi để tôi nhảy đại vào mồm anh cho xong. Nào, há mồm cho thật lớn đi. 

Cá sấu tưởng thật, bèn há mồm tới mức tối đa, làm cho hai mắt nhắm tít lại không trông thấy gì nữa. Vượn nhân lúc ấy, nhảy lên đầu sấu, và nhảy một phóc khác trở về bờ sông yên ổn.
Sau khi kể lại chuyện tiền thân, Phật cho biết con cá sấu đực chính là Đề Bà Đạt Đa ngày nay, vợ cá sấu là nàng Cinca do ngoại đạo thuê để vu khống Phật, còn vượn là tiền thân của Ngài. Và Ngài kết luận, không những ở trong thời hiện tại Đề Bà Đạt Đa mới tìm cách hại Phật, mà từ vô số kiếp ông ấy đã luôn luôn âm mưu như vậy, và thường thất bại.
Ni Sư Thích Nữ Trí Hải

Thứ Tư, 5 tháng 2, 2014

KINH NHÂN QUẢ BA ĐỜI



Một hôm, Tôn giả A Nan Đà, ở trên hội Linh Sơn cùng với một ngàn hai trăm năm mươi đại Tỳ Kheo câu hội.
Khi ấy A Nan Đà tôn giả, chắp tay đảnh lễ Phật, nhiễu quanh ba vòng, rồi quỳ xuống thưa thỉnh đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn rằng:
- Bạch Thế Tôn! Đến thời mạt pháp, tất cả chúng sinh ở cõi Nam Diêm Phù Đề, nhiều kẻ sinh niệm chẳng lành, không kính Tam Bảo, không trọng cha mẹ, không có tam cang. Năm giềng rối loạn, nghèo khó, thấp hèn, sáu căn chẳng đủ, trọn ngày sát sinh hại mạng, cho đến nghèo giàu sang hèn không đồng nhau. Do nhân duyên quả báo gì khiến nên như thế?
Cúi xin đức Thế Tôn từ bi, vì chúng con giải thích mọi sự việc.
Phật bảo A Nan cùng các đại đệ tử: "Lành thay! Lành thay! Các ông hãy lắng nghe! Ta sẽ vì các ông mà giải thích rành rẽ."
Tất cả nam nữ ở thế gian giàu sang hay nghèo hèn, chịu khổ vô cùng hoặc hưởng phước vô lượng đều do nhân duyên từ đời trước mà cảm quả báo.
Cho nên tất cả chúng sinh, trước phải hiếu kính cha mẹ, kế đó phải tin trọng ngôi Tam Bảo, thứ ba nên bỏ giới sát mà phóng sanh, và thứ tư cần ăn chay, bố thí mới có thể gieo giống ruộng phước về sau.
Phật liền nói bài kệ nhân quả rằng:
Giàu sang đều bởi mạng
Đời trước có tu nhân
Ai thọ trì Kinh nầy,
Đời đời hưởng phước lộc.
Thiện nam, tín nữ nghe ta nói:
Suy nhớ Kinh Nhân Quả Ba Đời,
Nhân quả ba đời việc chẳng nhỏ,
Phật nói lời thật chớ chê khinh.
1. Đời nay làm quan do nhân gì?
Kiếp trước vàng ròng thếp tượng Phật
Đời nay hưởng bởi nhân xưa
Đai vàng, áo tía, cầu nơi Phật.
Vàng trang nghiêm Phật, trang nghiêm mình.
Làm đẹp Như Lai, đẹp tự thân.
Đừng bảo làm quan là chuyện dễ,
Không tu, phước ấy đến từ đâu?
2. Cưỡi ngựa, ngồi kiệu do nhân gì?
Kiếp trước làm cầu, bồi đắp lộ.
3. Do nhân duyên gì mặc gấm vóc?
Đời trước thí áo giúp Tăng Ni.
4. Có ăn, có mặc do nhân gì?
Xưa giúp kẻ nghèo cho ăn uống.
5. Ăn mặc thiếu thốn bởi nhân chi?
Kiếp trước một nửa không xả thí.
6. Lầu cao nhà lớn do nhân gì?
Xưa lên chùa am cúng thí gạo.
7. Phước lộc đầy đủ cho nhân gì?
Xưa lập chùa am cất nhà mát (1)
8. Tướng mạo xinh đẹp do nhân gì?
Đời trước hoa tươi cúng dường Phật.
9. Thông minh trí tuệ do nhân gì?
Kiếp trước ăn chay, thường niệm Phật.
10. Người thấy vui mừng do nhân gì?
Xưa kết duyên lành cùng đại chúng.
11. Chồng vợ bền lâu do nhân gì?
Đời trước tràng phan nghiêm cúng Phật.
12. Cha mẹ song toàn do nhân gì?
Đời trước kính trọng người cô độc.
13. Không cha mất mẹ do nhân gì?
Kiếp trước là người đánh bẫy chim.
14. Con cháu đông nhiều do nhân gì?
Đời trước mở lồng thả chim thú.
15. Nuôi con không được do nhân gì?
Xưa sinh con gái dìm cho chết (2).
16. Đời nay không con do nhân gì?
Kiếp trước bẻ gãy hại trăm hoa. (hoa biết nói)
17. Đời nay sống lâu do nhân gì?
Kiếp trước mua vật phóng sinh nhiều.
18. Đời nay mạng yểu do nhân gì?
Kiếp trước xẻ thịt giết chúng sinh.
19. Đời nay không vợ do nhân gì?
Kiếp trước tham mưu gian vợ người.
20. Đời nay ở góa do nhân gì?
Kiếp trước buông lung khinh rẻ chồng.
21. Làm thân tôi đòi do nhân gì?
Kiếp trước quên ơn cùng phụ nghĩa.
22. Đời nay mắt sáng do nhân gì?
Kiếp trước cúng dầu đốt đèn Phật.
23. Đời nay đui mù do nhân gì?
Kiếp trước chỉ đường chẳng phân minh.
24. Môi miệng sứt thiếu do nhân gì?
Kiếp trước thổi tắt đèn cúng Phật.
25. Đời nay câm điếc do nhân gì?
Xưa từng ác khẩu mắng cha mẹ.
26. Đời nay lưng gù do nhân gì?
Kiếp trước chê cười người lễ Phật.
27. Tay bị cong quẹo do nhân gì?
Đời trước đều là người tạo nghiệp.
28. Chân bị co rút do nhân gì?
Kiếp trước ngăn đường đánh cướp người.
29. Làm thân trâu ngựa do nhân gì?
Xưa thiếu nợ người không chịu trả.
30. Đọa làm heo chó do nhân gì?
Kiếp trước lừa gạt phỉnh hại người.
31. Đời nay nhiều bệnh do nhân gì?
Xưa đem rượi thịt bày cúng Phật.
32. Đời nay không bệnh do nhân gì?
Xưa thí thuốc men cứu bệnh nhân.
33. Hằng bị lao tù do nhân gì?
Kiếp trước làm ác chẳng nhượng người.
34. Đời nay chết đói do nhân gì?
Kiếp trước thường lấp hang rắn chuột.
35. Bị thuốc độc chết do nhân gì?
Kiếp trước dăng lưới giết hại cá.
36. Nổi trôi cơ khổ do nhân gì?
Ác tâm lấn hiếp mưu hại người.
37. Đời nay lùn bé do nhân gì?
Kiếp trước xem Kinh để dưới đất. (3)
38. Nay thường thổ huyết do nhân gì?
Xưa ăn thịt rồi đi tụng Kinh. (4)
39. Đời nay ngu điếc do nhân gì?
Kiếp trước tụng Kinh chẳng lắng nghe.
40. Ghẻ lác phong điên do nhân gì?
Xông hơi thịt cá trước bàn Phật.
41. Thân có mùi hôi do nhân gì?
Xưa bán hương thơm trọn dối gian.
42. Đời nay chết treo do nhân gì?
Kiếp trước đem dây săn bẫy thú.
43. Quan quả, cô độc do nhân gì?
Xưa thường ganh ghét hiềm mắng người.
44. Sét đánh lửa thiêu do nhân gì?
Cân non, giạ thiếu lòng gian xảo.
45. Rắn cắn cọp ăn do nhân gì?
Kiếp trước gây oan tạo đối đầu.
Muôn việc mình làm lại mình chịu
Thọ khổ địa ngục oán trách ai?
Đừng nói nhân quả người không thấy.
Xa trả con cháu, gần trả mình.
Chỉ nhìn trước mắt người hưởng phước.
Sẽ tin bố thí với trì trai.
Kiếp trước tu nhân nay hưởng quả.
Đời này tu tích để về sau.
Nếu ai hủy báng Kinh Nhân Quả
Kiếp sau đọa lạc mất thân người.
Kẻ nào thọ trì Kinh Nhân Quả
Chư Phật, Bồ Tát đều chứng minh
Kẻ nào biên chép Kinh Nhân Quả,
Truyền đời tu học, đạo nhà hưng.
Ai mà mang đội Kinh Nhân Quả,
Tai hung, hoạnh họa chẳng vào thân.
Nếu người giảng nói Kinh Nhân Quả,
Đời đời kiếp kiếp được thông minh.
Kẻ nào đề xướng Kinh Nhân Quả
Đời sau người thấy sinh cung kính
Người nào ấn tống Kinh Nhân Quả
Kiếp sau sẽ được thân Đế Vương.
Theo Kinh Nhân Quả hỏi đời trước
Chính sự thọ hưởng của đời nay.
Theo Kinh Nhân Quả hỏi đời sau
Chính sự gây nhân của kiếp này.
Nếu như nhân quả không cảm ứng,
Do đâu Mục Liên cứu được mẹ?
Người nào tin sâu Kinh Nhân Quả,
Đồng sinh Tây phương cõi Cực Lạc.
Nhân quả ba đời nói không hết
Thiên long chẳng bỏ ý người lành.
Nên ngôi Tam Bảo ruộng phước lớn,
Nhân tu tuy một, hưởng muôn ngàn.
Gởi kho bền chắc không hư mất, (5)
Nhiều đời thọ dụng phước vô cùng.
Muốn biết nhân đời trước
Xem sự hưởng đời nầy.
Muốn biết quả đời sau
Xem việc làm kiếp nầy.
Chú Thích:

(1) Nhà dưỡng Lão, cô nhi.
(2) Thuở xưa từ Ấn Độ, cho đến Trung Hoa, những nhà nghèo sinh con nhiều nuôi không kham nên dìm cho chết bớt con gái lúc mới sinh ra.
(3) Ngồi dưới đất xem kinh, nên để kinh trên một cái bệ, khinh mạn cũng là nhân của tướng lùn bé. Lễ Phật, khiêm hạ là nhân của tướng cao hơn.
(4) Ăn mặn rồi muốn tụng kinh, phải súc miệng rửa tay, rửa miệng sạch, và tụng chú như sau. Tất được thanh tịnh không tội lỗi: Tịnh tam nghiệp chân ngôn: Um Soa Pha Va Suýt Đà, sạt và đạt ma, soa phạ va suýt đa hàm (7 biến) Aum! Syabhava sudaha, sarva drama svabhava suddhà hàma.
(5) Gởi kho đây không phải đốt giấy tiền vàng bạc gởi vào kho, mà ý nói tiền của thế gian không bền, khi chết rồi phải bỏ lại tất cả. Chỉ có tu phước làm lành ăn chay, tụng kinh, tham thiền, niệm Phật, là kho.
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

LẤY ĐỨC BÁO OÁN



Có một bà vợ của anh cư sĩ phật tử chẳng may bị xe du lịch nhỏ đụng chết. Anh tài xế vì không có tiền bồi thường nên phải chịu ngồi tù. Anh cư sĩ Phật tử này không những không oán hận anh tài xế mà ngược lại còn đi đến thăm hỏi, an ủi anh ta. Anh nói với tài xế: “Xin anh chớ nên vì chuyện này mà sầu lo, tuy vợ tôi đã bị xe đụng chết, nhưng bản thân anh còn có vợ con, họ đang rất cần anh kiếm tiền về nuôi cả gia đình. Mong rằng từ đây về sau, anh lái xe nên cẩn thận, phải giữ tâm luôn bình tỉnh, chớ nên nóng vội giành đường vượt ẩu”. Anh tài xế sau khi nghe xong cảm động rơi lệ.
Vị cư sĩ Phật tử này đã dùng tâm từ bi để giải quyết việc tài xế gây tai nạn cho vợ anh ta. vợ anh bị xe đụng chết, đương nhiên lòng anh rất đau xót, nhưng anh không chọn lấy hành động báo thù, ngược lại còn làm nhiều việc thiện hơn để ghi nhớ kỷ niệm và hồi hướng cho vợ mình.
Trong cách đối xử này, vì đã tha thứ cho lỗi lầm của người lái xe kia, lại còn an ủi anh ta, nên trong lòng anh cư sĩ Phật tử cảm thấy như được chia sẻ an ủi phần nào, cho nên anh không rơi vào trong cảnh đau khổ vì mất vợ.
“Chỉ có hiểu và thông cảm cho người vô tình gây cho mình sự buồn thương thì bạn mới hết đau buồn.”
trích: tha thứ sớm sẽ được vui vẻ sớm
dịch giả: Tỳ Kheo Minh Kiết

Mười nghiệp lành

CHÚC XUÂN!!!



Mừng xuân Giáp Ngọ đáo trần ca
Phúc đức tràn đầy khắp mọi nhà
Rực rỡ mai đào pha sắc nắng
Nồng nàn huệ cúc ngát hương hoa
Từ bi hỷ xả tròn Tam Bảo
Quảng đại bao dung vẹn Bửu Tòa
Ấm áp sum vầy an lạc mãi
Cùng chào đón khởi điểm giao thoa…
Tác giả: Boong Boong

ĐỂ HỌ TỰ CẢM THẤY XẤU HỔ



Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta không nên vì một chút chuyện nhỏ nhặt không hài lòng mà động đến liền mắng người này, giận người kia. Bạn phải nghĩ, cho dù đối phương có sai đi nữa mình cũng vẫn nên tha thứ cho họ.
Nhưng, có một hạng người làm sai mà ta khuyên bảo không được, vì khi bạn vừa nói thì họ sẽ kết thù với bạn.
Đối với hạng người này, chúng ta không thể dùng cách quở trách để giải quyết vấn đề, cũng không cần phải dùng lời lẽ để tranh biện với họ, chỉ cần chúng ta tha thứ họ, bao dung họ, từ bi với họ, kết bạn với họ, để họ tự cảm thấy lòng mình xấu hổ và biết rằng việc đối phó với bạn là điều không nên. Nếu bạn làm được như vậy thì từ phương diện kẻ thù, họ sẽ dần dần chuyển thành bạn tốt của bạn.
Còn nếu chúng ta không thể tha thứ cho kẻ thù, cảm hoá kẻ thù, thì bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào họ cũng có thể đánh bạn, hại bạn. Vì vậy, chúng ta cần phải hoá giải mối xung đột giữa hai người. Cho nên, muốn hóa giải mối xung đột giữa mình và người thì cách tốt nhất chính là làm họ cảm động chuyển thù thành bạn.
“Cách tốt nhất để khiến người ta hổ thẹn sửa sai đó là im lặng và tha thứ.”
dịch giả: Tỳ Kheo Minh Kiết
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

THA THỨ CHO NGƯỜI CÓ HÀNH ĐỘNG QUÁI DỊ



Có một số người rất dễ sống chung, rất dễ qua lại với nhau. Những người như vậy dễ đồng cảm, tha thứ, quan tâm đến người khác.
Còn có một số người thì tính cách gàn dở, cách nghĩ quái lạ; nói theo quan điểm của bạn thì anh ta sai, nhưng theo quan điểm của họ thì họ cho rằng mình đúng, vì họ nghĩ mình đã là người trưởng thành. Loại người như vậy không chịu tiếp thu ý kiến của người khác mà chỉ muốn người khác tiếp thu ý kiến của mình.
Trong một đoàn thể, nếu gặp phải người có quan niệm quái lạ này thì bạn sẽ cảm thấy rất đau khổ, nhưng bạn vẫn phải chấp nhận họ. Bạn nên đứng vào vị trí của họ để nghĩ về họ. Bạn nên tha thứ cho họ, thông cảm họ. Nhưng, bạn không hẳn phải đồng ý hay thừa nhận họ. Nếu không thì bạn sẽ đánh mất mình và dần trở thành một sản phẩm phụ thuộc về họ.
Cách cư xử giữa con người với nhau cần phải có sự hiểu nhau. Nếu đã không hiểu nhau thì phải thỏa hiệp. Và nếu thoả hiệp không thành thì hãy nên tha thứ và nhường nhịn họ.
Nếu không thì mỗi người chỉ biết nhìn sự việc qua quan điểm riêng của mình, sẽ tạo thành mối quan hệ không tốt.
“Nếu bạn hiểu được nóng giận sẽ mất đi người thân thì bạn sẽ không còn nóng giận nữa.”
dịch giả: Tỳ Kheo Minh Kiết
admin: @https://www.facebook.com/chaptay.niemphat
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

CÚNG SAO GIẢI HẠN, ĐỐT GIẤY TIỀN VÀNG MÃ LÀ ĐÚNG HAY SAI ?



Đốt vàng mã là một tục lệ dân gian, xuất phát từ thời nhà Hán (Trung Quốc). Do nhà vua muốn thực hành lời dạy của Đức Khổng Tử: “Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn”, nghĩa là thờ người chết như thờ người sống, thờ người mất như thờ người còn. Vậy nên khi nhà vua băng hà, chúng thần và hậu cung đã phải bỏ tiền bạc thật vào trong áo quan để vua tiêu dùng. Sau đó quan bắt chước vua, dân bắt chước quan. Ai cũng chôn tiền thật theo người chết thành một tục lệ. Bọn trộm cướp biết vậy nên đào trộm mồ những người giầu có, như mộ vua Hán Văn Đế bị trộm khai quật lấy hết vàng bạc châu báu. Về sau từ quan đến dân thấy việc chôn tiền bạc thật quá tốn kém nên mới nảy sinh ra dùng giấy cắt ra làm tiền giả, vàng giả để thay thế. Chuyện đốt tiền giấy (vàng mã) ra đời từ đó và trở thành tập tục. Tập tục này được du nhập vào Việt Nam theo những người Trung Hoa. Trước khi đốt vàng mã, mỗi người cần suy nghĩ thật kỹ xem tác dụng thực của việc “hoá vàng” đến đâu. Đã là tập tục thì khó bỏ, chỉ trừ có sự đồng thuận của mọi người trong xã hội. Cúng sao hạn là tập tục đã tồn tại lâu đời trong dân gian. Tập tục này có nguồn gốc từ Lão giáo. Sao hạn được tính căn cứ trên học thuyết ngũ hành xung khắc. Theo sự vận chuyển của ngũ hành, mỗi năm có một vì sao chiếu mạng vào một tuổi của từng người. Còn hạn là niên hạn, là cách thức riêng ứng với sao chiếu mạng là tốt hay xấu. Tuy bắt nguồn từ Lão giáo ở Trung Hoa, nhưng tập tục này lại ăn sâu vào quan niệm của người dân Việt và trở thành một tập tục lâu đời của người Việt. Người Việt tin rằng, mỗi năm có một vì sao cai quản, có sao tốt có sao xấu. Nếu gặp sao xấu, người ta phải cúng sao giải hạn để được an lành. Có tất cả chín vì sao chia nhau cai quản con người và tám niên hạn. Chín vì sao là: La Hầu, Thổ Tú, Thủy Diệu, Thái Bạch, Thái Âm, Thái Dương, Kế Đô, Mộc Đức, Vân Hớn. Tám niên hạn là: Huỳnh Tuyền, Tam Kheo, Ngũ Mộ, Thiên Tinh, Toán Tận, Thiên La, Đại Võng, Diêm Vương. Từ Lão giáo qua dân gian rồi đi vào Phật giáo, nhưng ngày nay, tập tục này được xem như tục tập lỗi thời đối với nhà truyền giáo Phật giáo. Đoán sao, đoán hạn và cúng giải sao hạn ngày nay còn diễn ra ở các chùa là sai. Trong kinh Di giáo chương I, Đức Phật dạy: Các vị Tỳ-Khưu, sau khi Tôi nhập-diệt, các vị nên tôn-trọng Ba-La-Đề-Mộc-Xoa, như tối gặp sáng, như người nghèo được của báu. Các vị nên biết giới ấy là bậc Đại-Sư của các vị và không khác gì Tôi còn ở đời vậy. Người giữ giới thanh-tịnh, không được làm những việc như: buôn bán, đổi chác, tạo dựng ruộng nhà, nuôi dưỡng người dân, tôi tớ, súc sinh. Hết thảy sự trồng trọt, các của cải châu báu, đều nên tránh xa, như tránh hầm lửa. Không được chặt phát cây cỏ, đào sới đất đai, điều-hòa thuốc thang, xem tướng tốt xấu, quan sát tinh-tú, suy-đoán đủ thiếu, lịch-số kế-toán, đều không nên làm. Là Phật tử, chúng ta phải thấy những gì lỗi thời lạc hậu, những gì là văn hóa, là nét đẹp của văn hóa dân gian hay văn hóa đạo Phật .