Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2013

Phật pháp định hướng con đường tôi đi



Nguồn: http://vn.360plus.yahoo.com/pethiensu_luv_nhokacwy/article?mid=52&prev=53&next=50

Khi biết đến Phật pháp, tôi mới nhận ra cái ngã mạn của tâm mình rất lớn. Cả ngày, tôi chỉ vùi đầu vào học đến 1-2 giờ sáng mới chợp mắt, mới 5 giờ sáng chuông đồng hồ đã reo vang inh ỏi. Do tham, si, lúc nào cũng muốn hơn người, tôi học càng nhiều và càng khao khát những gì bỏ ra phải được đền bù xứng đáng. Đó là sai lầm thứ nhất của tôi.

Chẳng biết từ khi nào mỗi lần tâm bấn loạn, tôi lại nhất tâm niệm danh hiệu Phật A-di-đà? Sinh ra và lớn lên trong gia đình trí thức, mẹ là giáo viên cấp II, ba là giáo viên dạy toán cấp III, tôi thừa hưởng yếu tố di truyền từ cả ba lẫn mẹ. Mặc dù, gia đình không khá giả lắm nhưng từ nhỏ tôi đã được tạo điều kiện để học tập. Lên cấp III, trải qua cuộc thi chuyển cấp, tôi may mắn vượt qua nhiều người để trở thành một trong những học sinh giỏi nhất của lớp chuyên ban tự nhiên. Là học sinh lớp chuyên nên tôi nhận được nguồn tri thức dồi dào và tiến bộ từ đội ngũ giáo viên nhà trường. Toán nâng cao, vật lý nâng cao, hóa nâng cao và sinh học cũng nâng cao. Khác với nhiều bạn bè cùng trang lứa, vì gia đình không đủ điều kiện phải học trường làng, tất cả các môn các bạn đều học cơ bản. Đó là một trong những nguyên do dẫn đến những suy nghĩ sai lầm của tôi sau này.

Qua hai năm học xa nhà, ở trọ với bao lo toan trong việc học hành, ăn ở. Năm lớp 12, chuẩn bị cho kỳ thi đại học quan trọng sắp tới, tôi xin chuyển về trường gần nhà để nhận được sự chăm sóc chu đáo từ gia đình. Bước vào môi trường mới, tôi mang trong tâm và trí một suy nghĩ ấu trĩ “Mình đã từng học trường giỏi hơn, gia đình đủ điều kiện hơn nên mình phải thi đậu đại học điểm cao hơn…”. Cứ ngỡ rằng, suy nghĩ ấy sẽ thôi thúc ý chí quyết tâm ham học của tôi. Và sự thật, thời gian đầu, tôi đã lao mình vào vòng xoáy của việc học tập. Khi ấy, tôi học chỉ để kiếm điểm cao hơn mọi người, để ganh đua và chứng tỏ ta đây là dân chuyên toán, lý, hóa.

Khi biết đến Phật pháp, tôi mới nhận ra cái ngã mạn của tâm mình rất lớn. Cả ngày, tôi chỉ vùi đầu vào học đến 1-2 giờ sáng mới chợp mắt, mới 5 giờ sáng chuông đồng hồ đã reo vang inh ỏi. Do tham, si, lúc nào cũng muốn hơn người, tôi học càng nhiều và càng khao khát những gì bỏ ra phải được đền bù xứng đáng. Đó là sai lầm thứ nhất của tôi.

Tôi là cô bé hơi tròn trịa, học nhiều nhưng dáng vóc chẳng ốm hơn bao nhiêu. Sự chấp vào thân giả tạm khiến tôi cố nhịn ăn để trở thành mẫu người lý tưởng “vừa học giỏi, vừa xinh đẹp”. Đó là sai lầm thứ hai của tôi. Thấy con học nhiều mà ăn ít, ba mẹ tôi rất đau lòng. Nhưng sự u mê của tâm hồn, đánh mất lí trí đã che mờ mắt tôi. Cứ khăng khăng làm điều mình muốn, vẫn thức khuya, dậy sớm học toán, lý, hóa, tôi tự cho mình là hơn người.

Nhưng chuyện đời vô thường, đâu dễ cầu gì được nấy. Do học quá sức và ăn uống không đủ chất dinh dưỡng, càng ngày tôi càng mệt mỏi. Thời gian nộp hồ sơ thi đại học đã đến, tâm tôi bắt đầu bấn loạn, tôi không còn hào hứng như ban đầu. Học nhiều nhưng kết quả chẳng được bao nhiêu. Mỗi lần thua bạn bè, tôi dằn vặt, đau khổ và căm ghét chính bản thân. Sự so sánh hơn thua cứ tái diễn trong đầu tôi. Tôi cảm thấy bất an cho tương lai. Tôi bắt đầu sợ thi cử, sợ thi đại học. Nỗi lo sợ như căn bệnh truyền nhiễm, đã lây lan sang những người thân trong gia đình. Ba mẹ buồn và khuyên tôi nên lấy lại tinh thần. Ba mẹ chỉ mong tôi có thể đậu đại học kinh tế - một trường vừa sức và tầm với không quá cao để tôi không bị gò ép về tinh thần. Không hiểu sao, càng học tôi càng mệt mỏi, càng quyết tâm qua mặt bạn bè thì chính tôi lại là người đứng sau họ. Nỗi lo sợ lấn chiếm tâm hồn tôi. Tôi rơi vào trạng thái mông lung, không biết đâu là chốn dừng chân cho cuộc sống của mình. Giá như, Phật pháp đến với tôi sớm hơn! Giá như, tôi được biết đến chùa Hoằng Pháp! Và một lần được gặp các thầy để nghe những lời dạy bảo thân thương bên tai! Nhưng đó vẫn chỉ là… giá như!

Cái gì đến rồi cũng sẽ đến. Tôi quyết định học thêm toán đại trà do chính ba tôi dạy ở nhà. Ngày hôm đó là ngày quyết định cho chuỗi ngày dài của tôi sau này. Một đề toán thi thử đại học, tôi quyết tâm giải nhanh, giải đúng để xứng đáng là con nhà toán. 3 phút… 5 phút trôi qua, một thằng bạn trong lớp đưa ra kết quả đúng. Tôi cảm thấy bực mình, tay chân cuống quýt. 6 phút… 7 phút nữa trôi qua, tôi đưa ra kết quả… sai! Tâm ghen tức, ganh tị trong tôi trỗi dậy, tôi không muốn thua, tôi muốn là người thắng cuộc. Buổi học kết thúc trong sự nặng nề và bực dọc. Học xong tôi chạy thẳng vào phòng, quơ tay, quơ chân đạp vào tường, khóc tức tưởi. Ba mẹ thấy cảnh tượng đó, ngạc nhiên và xót xa nhưng kiên quyết bảo “Với tính cách hơn thua ấy, sau này con sẽ dễ dàng thất bại!”. Thất bại ư? Tôi dằn vặt mình và tự nhủ “Được thôi! Cuộc sống này không chấp chứa tôi, không cho tôi là người thắng cuộc thì tôi sẽ đi… tu!”. Một phút suy nghĩ bồng bột!

Sáng ngày hôm sau, tôi đến trường với bộ mặt nặng nề, gặp chuyện không vui. Trưa về nhà không ăn uống, ba mẹ buồn rầu cũng không thèm hỏi han, quan tâm. Đúng chiều ngày hôm đó, tôi xách đồ ra đi với lá thư từ biệt để trên bàn. Không hiểu vì cớ gì, nhân duyên gì, từ khi bước chân ra khỏi nhà, tâm tôi đã hướng về cửa Phật. Đi xe buýt trên con đường hai năm trước mình từng đi học xa nhà, tôi chọn tịnh xá Ngọc Định làm nơi trú chân cho mình qua giai đoạn tâm trạng đau khổ này. May thay! Các Ni ở tịnh xá mở lòng từ bi, thương tình chấp chứa đứa con bỏ nhà ra đi. Ở đó, được làm công quả, được ăn chay niệm Phật, tâm tôi dần tĩnh lặng, trải lòng mình để tiếp nhận ánh sáng Phật pháp vi diệu!

Được sống tĩnh lặng là như thế nhưng tôi nào biết ba mẹ, người thân đau khổ khi biết tin tôi bỏ ra đi! Họ sợ tôi làm điều dại dột! Mẹ tôi khóc ngày, khóc đêm, ba tôi xách xe chạy khắp các nẻo đường tìm tôi, em tôi khóc đỏ mắt phải nghỉ học. Ai thấy cảnh tượng ấy mà không xót xa, đau lòng?

Tôi ở tịnh xá một ngày, hai ngày rồi ba ngày, các Ni khuyên tôi về nhà kẻo gây tội bất hiếu với ba mẹ. Gọi điện về nhà, nghe giọng tôi mà mẹ thổn thức, nghẹn ngào. Tôi cũng khóc và quyết định quay về chốn thân thương thưở nào. Ba mẹ ôm chầm tôi khóc nức nở. Tôi hối hận và hổ thẹn vô cùng khi bỏ ba mẹ mà đi trong sự cay đắng và hờn giận. Còn ba mẹ lại mở rộng “vòng tay yêu thương” mà không hề oán giận tôi một lời.

Ngày thi đại học gần kề, tôi nộp hồ sơ thi đại học kiến trúc, khối H (Văn, Vẽ, Vẽ) - một trường trái hẳn với năng lực và sở trường của tôi. Đơn giản vì không muốn mọi người nhìn thấy sự thất bại với chuyên môn của mình. Tôi trở thành người “độc nhất, vô nhị” khi chọn thi khối năng khiếu. Tâm hơn thua của tôi vẫn chưa bỏ. Tôi sợ, tôi sợ thi khối tự nhiên thấp điểm hơn bạn bè, sẽ bị cười chê. Ba mẹ một lần nữa lại đau lòng trước quyết định của tôi. Nhưng, họ không cản trở hay la mắng tôi nữa. Kỳ thi đến nơi, tôi đã rớt đại học trong khi bạn bè thi đậu trường này, trường kia. Tôi oán trời, trách đất! Tôi oán hận, tại sao tôi lại sinh ra trên cõi đời này để nhận lấy sự thất bại? Thất bại trong tủi nhục và đau đớn.

Chuỗi ngày dài sau khi biết tin rớt đại học, tưởng chừng như tôi đang sống giữa địa ngục trần gian. (Mọi lời bàn ra, tán vào như mũi kim đâm sâu vào tim tôi. Chỉ vì tôi là con giáo viên dạy toán cấp III. Nào đồng nghiệp, nào học sinh của ba nhìn vào mà chỉ trích - Tôi tưởng tượng như vậy và nhận đau khổ về mình!) Nhìn nỗi buồn hằn trên khuôn mặt người thân mà tôi như muốn chết đi, sống lại. Nhưng cuối cùng, tôi cũng quyết định thi lại.

Thật may mắn, trong thời gian này, tôi được xem đĩa Phật pháp nhiệm màu do cô Nguyễn Hướng Dương trình bày. Cuộc đời cô gặp nhiều trở ngại, cay đắng hơn tôi. Cô chỉ ra đâu là được và mất, đạo lý nhân quả của nhà Phật mà bản thân cô cũng từng là nạn nhân của nghiệp báo ứng hiện đời.

Tôi cũng tình cờ được xem các đĩa chương trình Ánh sáng Phật pháp do quý thầy chùa Hoằng Pháp thuyết giảng. Tôi từ từ ngộ ra chân lý vi diệu của Phật pháp, bỏ tâm sân si, ganh ghét, đố kị, xem nhẹ cái thân giả tạm này. Khi học theo đạo lý Phật dạy cuộc đời là vô thường, tôi không còn đau khổ, hiểu được luật nhân quả báo ứng, “đâu biết chừng quả mà tôi gặt hôm nay là nhân tôi gieo ngày trước!”. Tôi còn mừng rỡ mà đón nhận sự thất bại trong thi cử, bởi một lần trượt nhưng tôi còn có cơ hội làm lại cuộc đời vững chãi hơn. Giả như không rớt đại học mà chịu đau khổ do mất người thân liệu tôi có còn cơ hội để đáp đền công ơn sinh thành của bậc phụ mẫu. Cảm ơn lưới trời lồng lộng đã cho tôi cơ hội để nhìn lại cuộc đời mình. Hơn thế nữa, tôi đã học được ở quý thầy sự bình tĩnh khi giải quyết một vấn đề.

Và thật sự thành kính tri ân Ngài - đức Phật Thích-ca Mâu-ni, nhờ ánh hào quang của Ngài soi sáng mà ngày nay con đã tìm thấy niềm vui trong ngôi trường mới - Đại học Ngân Hàng.

Thy Mai

Đạo Phật và tuổi trẻ - HT Thích Thanh Từ



Lâu nay đa số người Việt Nam cho rằng: Ðạo Phật là dành riêng cho các bậc già nua tuổi tác, nhờ câu kinh tiếng kệ an ủi những ngày tàn; hoặc kẻ bị tình đời đen bạc hay người đã mấy phen vấp ngã trên bước công danh quay về nương tựa cửa thiền, nhờ giọt nước cành dương rưới dịu đôi phần sầu hận; hoặc những người đau ốm tật nguyền sống thừa thãi ngoài xã hội về núp bóng từ bi, nhờ hột cơm, manh áo của đàn-na tín thí để đỡ phần cơ cực.....

Quan niệm ấy đã ăn sâu trong tâm não dân chúng, nên khi thấy một thanh niên cạo tóc xuất gia, hoặc đến chùa lễ Phật thì họ xầm xì cho là chán đời, là bi quan, là trốn nợ xã hội. Nhưng họ đâu ngờ đạo Phật là "đạo của tuổi thanh xuân đang căng nhựa sống và tha thiết yêu đời".

Nói thế, không phải cố gò bó đạo Phật cho gần với tuổi trẻ, mà vì thật tánh của đạo Phật rất thích hợp với hàng hoa niên. Sự thích hợp ấy bởi những điểm:

Thanh tịnh: Ðạo Phật cốt đào luyện tâm hồn người hoàn toàn trong sạch, nên cực lực sa thải những tính: tham lam, sân hận, oán thù... đang trú ẩn trong tâm giới người. Nhưng từ lúc thanh niên, người ta phải cất mình ra khỏi cổng nhà cha mẹ, bắt tay vào việc cạnh tranh, chiến đấu với đời, từ đó những tánh xấu, tham lam, sân hận... càng ngày tập nhiễm càng sâu, đến đen tối cả tâm hồn. Lúc tuổi già muốn gột rửa nó là cả một sự khó khăn. Như chiếc áo trắng đã nhuộm chàm, muốn giặt tẩy trắng lại không phải là việc dễ. Trái lại, tuổi thiếu niên tâm hồn còn trong trắng, những tính xấu nếu có, cũng chỉ một vài điểm nhỏ thôi. Nếu họ sớm biết thức tỉnh quyết tâm tẩy trừ thì rất dễ dàng, như chiếc áo trắng vừa vấy vài vết nhơ, giặt tẩy rất mau sạch. Vì thế tuổi thiếu niên rất thích hợp với đức thanh tịnh của đạo Phật.

Chân thật: Ðạo Phật là đạo như thật, người tu theo đạo Phật cần phải xa lìa những điều giả dối để trở về với sự thật. Phật cấm nói dối và dạy quán vô thường, bất tịnh, khổ... đều nhắm mục đích này. Tuổi trẻ là ngây thơ chất phác, nghĩ sao nói vậy, nên ít biết dối trá xảo quyệt; nhưng đến lúc thành niên, để bắt chước theo thói xã giao, hoặc vì sự mưu sanh, người ta lần lần tập nhiễm những điều xảo trá và xa dần sự thật. Khi đi xa mà muốn quay về là nhọc nhằn hơn lúc ở gần; vì thế tuổi trẻ còn chất phác, nhiều thành thật, nên rất gần với đạo Phật.

Từ bi: Ðạo Phật là đạo Từ bi, là đạo cứu khổ chúng sanh bằng mọi phương tiện và mọi hình thức. Người tu theo đạo Phật là hy sinh đời mình để mưu hạnh phúc cho chúng sanh, và mở tâm lượng bao la trùm tất cả mọi loài trong tình thương bình đẳng. Với tâm lượng ấy, với chí hy sinh ấy, người lưng còng, má cóp có thể đảm đang nổi chăng? Người ốm đau bệnh tật có thể gánh vác được không? Và người thực hiện được điều này có thể gọi là bi quan yếm thế chăng? - Cố nhiên phải là người niên tráng lực cường, thân hình căng đầy nhựa sống, mới đủ khả năng sớt cơm, chia áo và gánh vác những điều khó khổ nhọc nhằn cho chúng sanh. Hơn nữa, tuổi thiếu niên là tuổi phóng tầm mắt nhìn khắp vũ trụ bao la và muốn ôm cả nhân loại vào lòng; nhưng đến khi đã cột mình trong bổn phận làm vợ, làm chồng, làm cha, làm mẹ... thì chí cả ấy bị đóng khung trong gian nhà chật hẹp của gia đình, rồi dần dần nó bị tiêu ma như hạt sương tan theo dưới ánh nắng. Ðang khi tâm hồn khoáng đãng của tuổi thanh xuân mà gặp được tình thương vô bờ bến của tâm lượng Từ bi thì, ôi! Sung sướng nào hơn nữa?

Tinh tấn: Phật quả là một quả vị vô thượng. Người muốn đạt được quả vị này phải trải lắm công phu nhọc nhằn khổ sở, với thời gian dài đằng đẵng, đâu phải tu một sớm một chiều mà chứng được, trừ những bậc Bồ-tát thị hiện. Công trình tu tập như một bộ hành trèo núi cao mấy mươi cây số; muốn đến được đỉnh, người bộ hành phải dẫm qua lắm đoạn đường chông gai, đá sỏi, vượt qua nhiều vách đá cheo leo và trải qua những đèo cao, hố thẳm, nhiên hậu mới mong ngồi bóng mát trên đầu non chót vót và ngắm xem bức sơn thủy muôn màu ngàn sắc của trần gian. Như vậy, muốn thực hiện được công phu này, phải đòi hỏi ở người có cặp chân cứng rắn, đôi mắt tinh anh, sức lực dồi dào và đủ tinh thần quả cảm. Thanh niên là tuổi máu nóng đang lên, nhựa sống căng thẳng, đời sống còn dài, nên dễ thực hiện được công tác này. Ðức Thích-ca ngày xưa nếu đợi sáu, bảy mươi tuổi mới đi tu, chắc ngày nay chúng ta không biết được mùi pháp vị là gì.

Trí tuệ: Ðức Phật là đấng đã giác ngộ. Người tu theo đạo Phật là noi theo con đường sáng suốt của Ngài đã qua để đến thành trì giác ngộ. Muốn được giác ngộ cần phải có trí tuệ, vì trí tuệ là ánh sáng quét sạch màn đêm và soi tỏ mọi vật, khiến chúng hiện bày chân tướng dưới mắt người. Tuy nhiên, muốn có trí tuệ ta cần phải có thân hình tráng kiện, như nói: "Một tâm hồn sáng suốt trong một thân thể tráng kiện"; hay ngược lại, cũng thế. Như vậy tuổi trẻ rất dễ phát khởi trí tuệ, người già yếu trí tuệ cũng bị ảnh hưởng phải lu mờ. Bằng chứng, cùng một bài học mà người trẻ học mau thuộc, người già học rất lâu. Do đấy nên tuổi trẻ là tuổi rất thích hợp với đạo Phật.

Mặc dù đạo Phật rất thích hợp với tuổi trẻ, nhưng với bậc lão thành, với người khổ sở, với kẻ chán đời... vẫn được đạo Phật tiếp độ. Vì đạo Phật là đạo bình đẳng, giáo lý Phật là giáo lý phổ biến vậy. Mái tóc xanh gần đạo Phật ở đức thanh tịnh... thì người đầu bạc cũng nhờ "tín" của đạo Phật mà vui vẻ những ngày tàn. Tuổi hoa niên thể theo đức từ bi mở rộng lòng thương, thì người khổ sở cũng nhờ bàn tay từ bi ấy xoa dịu đôi phần đau khổ. Hàng tráng niên đến với đạo Phật là cầu giác ngộ, cầu thành Phật quả; người chán đời đến với đạo Phật để nhờ câu kinh thâm diệu, nhịp mõ trầm hùng, tiếng chuông cảnh tỉnh mà lần lần cổi sạch mọi nỗi oán hờn.

Tóm lại, đạo Phật là đạo chung tất cả, nhưng thích hợp nhất là tuổi trẻ. Vì tuổi trẻ mới có đủ phương tiện thực hiện triệt để giáo lý cao siêu của Phật, và tuổi trẻ mới đủ bầu nhiệt huyết hăng hái quả cảm trên con đường tự giác, giác tha, dù gặp mọi gian nguy khó khổ. Do đó nên Phật dạy bốn pháp kiên cố đến quả Bồ-đề, "tuổi trẻ biết mộ đạo tu hành" là một trong bốn điều ấy vậy. Tuổi trẻ là tuổi thích hợp với đạo Phật, vậy những bạn thanh niên không nên luống phí thời giờ, phí thời kỳ quí báu ấy, đợi đến khi sức kiệt hơi tàn, có hối tiếc cũng không kịp.

Phật dạy: "Ngươi nói: 'Tôi còn trẻ cần phải chơi bời vui vẻ, đến ngày già sẽ tu'. Nhưng cái chết có khác nào kẻ cướp cầm gươm bén theo rình rập ngươi, một miếng mồi ngon của nó; như vậy làm sao ngươi chắc mà đợi đến ngày già đặng đưa tâm trí qua đường Ðạo đức?"

Chuyện về hai hạt lúa



Có hai hạt lúa nọ được giữ lại để làm hạt giống cho vụ sau vì cả hai đều là những hạt lúa tốt, đều to khỏe và chắc mẩy.

Một hôm, người chủ định đem chúng gieo trên cánh đồng gần đó. Hạt thứ nhất nhủ thầm:

“Dại gì ta phải theo ông chủ ra đồng. Ta không muốn cả thân mình phải nát tan trong đất. Tốt nhất ta hãy giữ lại tất cả chất dinh dưỡng trong lớp vỏ này và tìm một nơi lý tưởng để trú ngụ.” Thế là nó chọn một góc khuất trong kho lúa để lăn vào đó.

Còn hạt lúa thứ hai thì ngày đêm mong được ông chủ mang gieo xuống đất. Nó thật sự sung sướng khi được bắt đầu một cuộc đời mới.

Thời gian trôi qua, hạt lúa thứ nhất bị héo khô nơi góc nhà bởi vì nó chẳng nhận được nước và ánh sáng. Lúc này chất dinh dưỡng chẳng giúp ích được gì- nó chết dần chết mòn. Trong khi đó, hạt lúa thứ hai dù nát tan trong đất nhưng từ thân nó lại mọc lên cây lúa vàng óng, trĩu hạt. Nó lại mang đến cho đời những hạt lúa mới…

Đừng bao giờ tự khép mình trong lớp vỏ chắc chắn để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của bản thân mà hãy can đảm bước đi, âm thầm chịu nát tan để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ – đó là sự chọn lựa của hạt giống thứ hai.

Tôi hi vọng đó cũng sẽ là sự lựa chọn của bạn và tôi khi đứng trước cánh đồng cuộc đời bao la này…

Sưu tầm

Lời dạy của Đức Phật về dấu ấn “chuyển Pháp luân”:


Như chúng ta đã biết, khi còn trên đường đi tầm đạo, Tất Đạt Đa có gặp năm anh em A Nhã Kiều Trần Như, có cùng trao đổi tu tập và có hứa với nhau khi nào có người chứng quả vị Vô Thượng Bồ Đề thì sẽ trở lại và truyền đạt cho nhau. Sau khi chứng quả thành Phật, Đức Phật liền đến với năm anh em Kiều Trần Như nơi vườn Lộc Giả. Và tại đây, Đức Phật thuyết bài pháp đàu tiên là “Tứ Diệu Đế” tức “Bốn điều chân lý” tối thượng, chỉ rõ hiện trạng mọi sự khổ trên đời, nguồn gốc huân tập nên sự khổ, phương pháp chấm dứt khổ và con đường an trú đạo quả hạnh phúc lâu dài. Đó là:

* Khổ đế: “Thế giới này đầy rẫy những sự khổ ải. Sinh cũng khổ, già cũng khổ, bệnh cũng khổ, rồi tử cũng khổ. Phải gặp điều mình ghét cũng khổ, phải xa cái mình yêu thích cũng khổ, không tìm được cái mình muốn tìm cũng khổ. Đúng là cuộc đời này vì không xa lánh được sự chấp nê nên khổ. Đó gọi là chân lý của sự khổ” (Kinh Tương Ưng Bộ)

Các pháp Đức Phật dạy về chân lý khổ đế này hàng ngày luôn ở quanh ta, trong cuộc sống của ta. Do vô minh nghiệp thức che lấp nhiều đời khiến chúng ta lầm chấp ôm chặt vào lòng “ngã và ngã sở” cho nên bị “tám khổ” nơi bánh xe khổ để hành hạ từ đời này qua kiếp khác, không còn biết đâu đàu mối là thế. Nếu muốn hết khổ, chúng ta phải tự mình biễt dừng lại, phăng tìm nguồn gốc cấu thành sự khổ để quày lại, không tạo tác “nhân” nữa thì mới mong thoát khỏi “quả” khổ của sanh tử nhiều đời.

* Tập đế: “Tại sao đời người lại khổ? Đó chắc là do sự phiền não trong tâm người mà ra. Sở dĩ có những nỗi phiền não là bắt nguồn từ những sự ham muốn dục vọng bẩm sinh. Lòng dục vọng này phát sinh từ sự chấp nê đối với sự sống, dục vọng, muốn nghe, muốn thấy, ngay cho dù phải chết chăng nữa. Điều này gọi là nguyên nhân của sự khổ” (Kinh Tương Ưng Bộ)

Khi chưa biết nguyên nhân thì chúng ta còn thắc mắc, không biết tại sao mình bị khổ hay khổ nhiều, khổ ít? Nay đã biết rõ nguyên nhân rồi, thiết nghĩ mỗi người mình, nhất là Phật tử, chúng ta cần nên cố gắng tập tu, tập học để hạn chế từ lần, rồi đưa đến chấm dứt mọi nguyên nhân có thể đem đến khổ đau cho mình, bà con thân quyến mình và tất cả mọi người quen lạ, xa gần xung quanh trong cuộc sống.

* Diệt đế: “Chúng ta phải diệt trừ tận gỗc sự phiền não. Nếu con người bỏ được tất cả sự chấp nê thì sẽ hết khổ. Đây gọi là chân lý diệt khổ” ( Kinh Tương Ưng Bộ ).

Sự thật không ai trong cuộs sống chúng ta lại thích cưu mang phiền não trong lòng. Nhưng dứt diệt phiền não, dứt diệt sự khổ cũng không phải là điều dễ dàng. Thông thường, những lời nói quấy hay những hành động quấy, nó đã được tích tụ và ngủ ngầm trong nghiệp thức từ lâu đời, kể cả sự chấp nê và lòng phiền não. Nay, nếu chúng ta không quyết tâm, không chịu dùng pháp Phật để soi sáng nhân quả nghiệp chướng nhiều đời để dứt trừ thì không biết đời nào mình mới được hết khổ !

* Đạo đế: “Muốn vào cõi vô dục vô khổ, con người phải tu ‘Bát chánh đạo’, tức là đạo 8 chơn chánh. Một là thấy chơn chánh, hai là suy nghĩ chơn chánh, ba là lời nói chơn chánh, bốn là làm việc chơn chánh, năm là đời sống chơn chánh, sáu là siêng năng chơn chánh, bảy là niệm nhớ chơn chánh và tám là giữ tâm định chơn chánh. Đó gọi là con đường đạo 8 chơn chánh, là chân lý chánh đạo diệt dục. Phải thấm nhuần 8 điều chân lý này” ( Kinh Tương Ưng Bộ ).

Đời là bể khổ, người nào muốn tránh khỏi khổ nạn thì cần phải dứt bỏ được sự phiền não trong lòng, lời nói xấu xa và hành động tội lỗi. Làm con người, làm Phật tử muốn đến được cõi vô dục vô khổ thì chỉ có cách tự biết tu dưỡng thâm tâm để đạt được sự giác ngộ.

Thế nên, người con Phật thành tâm theo đạo thì phải học và hiểu được “bốn chân lý” cao cả này. Nếu làm Phật tử mà không hiểu được thì dễ bị đi vào con đường lầm lạc khổ đau. Khi hiểu được “bốn chân lý” diệu mầu này thì con người sẽ biết vân dụng ứng xử trong cuộc sống, tự mình biết chuyển hóa mình và con người bắt đàu biết tự mình xa lánh sự ham muốn, không bon chen với thế gian, không sát sanh, không trộm đạo, không dâm tà, không lừa đảo, không khinh khi, không xu nịnh, không ghen ghét, không nóng giận, không quên điều vô thường của đời người, không lầm đường lạc lối và không gây tạo tội lỗi trong cuộc sống.

Theo daophatkhatsi

Lời Phật dạy có nguyện và không cầu xin…



Lời Phật dạy

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anà-thapindika.

Rồi gia chủ Anàthapindika đi đến đảnh lễ, Thế Tôn nói với gia chủ Anàtha-pindika đang ngồi một bên: Có năm pháp này, này Gia chủ, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khó tìm được ở đời. Thế nào là năm? Tuổi thọ; dung sắc; an lạc; tiếng đồn tốt; cõi trời khả lạc, khả hỷ, khả ý khó tìm được ở đời. Này Gia chủ, năm pháp này, khả lạc, khả hỷ, khả ý khó tìm được ở đời. Này Gia chủ, năm pháp khả lạc, khả hỷ, khả ý khó tìm được ở đời này, Ta tuyên bố không phải do nhân cầu xin, không phải do nhân ước vọng mà có được.

Này Gia chủ, nếu năm pháp khả lạc, khả hỷ, khả ý khó tìm được ở đời này, do nhân cầu xin, do nhân ước vọng mà có được, thời ai ở đời này lại héo mòn vì một lẽ gì? Này Gia chủ, vị Thánh đệ tử muốn có thọ mạng, không có thể do cầu xin thọ mạng hay tán thán để làm nhân đem lại thọ mạng.

Vị Thánh đệ tử muốn có thọ mạng cần phải thực hành con đường dẫn đến thọ mạng. Do vị ấy thực hành con đường dẫn đến thọ mạng, sự thực hành ấy đưa vị ấy nhận lãnh được thọ mạng, vị ấy nhận lãnh được thọ mạng hoặc Chư Thiên, hoặc loài Người.

Này Gia chủ, vị Thánh đệ tử muốn có dung sắc, không có thể do cầu xin dung sắc hay tán thán để làm nhân đem lại dung sắc. Vị Thánh đệ tử muốn có dung sắc cần phải thực hành con đường dẫn đến dung sắc. Do vị ấy thực hành con đường dẫn đến dung sắc, sự thực hành ấy đưa vị ấy nhận lãnh được dung sắc, vị ấy nhận lãnh được dung sắc hoặc Chư Thiên, hoặc loài Người.

Này Gia chủ, vị Thánh đệ tử muốn có an lạc, không có thể do cầu xin an lạc hay tán thán để làm nhân đem đến an lạc. Vị Thánh đệ tử muốn có an lạc cần phải thực hành con đường dẫn đến an lạc. Do vị ấy thực hành con đường dẫn đến an lạc, sự thực hành ấy đưa đến vị ấy nhận lãnh được an lạc, vị ấy nhận lãnh được an lạc hoặc chư Thiên, hoặc loài Người.

Này Gia chủ, vị Thánh đệ tử muốn có tiếng tốt, không có thể do cầu xin tiếng tốt hay tán thán để làm nhân đem đến tiếng tốt. Vị Thánh đệ tử muốn có tiếng tốt cần phải thực hành con đường dẫn đến tiếng tốt. Do vị ấy thực hành con đường dẫn đến tiếng tốt, sự thực hành ấy đưa vị ấy nhận lãnh được tiếng tốt, vị ấy nhận lãnh được tiếng tốt hoặc chư Thiên, hoặc loài Người

Này Gia chủ, vị Thánh đệ tử muốn có được Thiên giới, không có do cầu xin Thiên giới hay tán thán để làm nhân đem đến Thiên giới. Vị thánh đệ tử muốn có Thiên giới cần phải thực hành con đường dẫn đến Thiên giới. Do vị ấy thực hành con đường dẫn đến Thiên giới, sự thực hành ấy đưa vị ấy nhận lãnh được Thiên giới, vị ấy nhận lãnh được Thiên giới.
(Kinh Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Vua Munda)
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
SUY NGHIỆM:

Sống trường thọ khỏe mạnh, nhan sắc xinh đẹp, an vui thoải mái, tiếng tốt đồn xa, sau khi hết đời sống này tái sanh hưởng phước cõi trời là mong ước chính yếu của con người. Ai cũng mong ước như vậy, nhiều người thường cầu xin ơn trên ban cho như thế nhưng thực tế thì không phải ai cũng toại nguyện, như ý.

Bởi vậy nên Thế Tôn khẳng định: “Ta tuyên bố không phải do nhân cầu xin, không phải do nhân ước vọng mà có được” năm món yêu thích kể trên.

Cũng như đem hai chiếc bình, một bình đựng đá cuội và một bình đựng dầu đổ xuống hồ nước, dầu nhẹ thì nổi lên và đá nặng thì chìm nghĩm. Dù cho có tập trung cầu nguyện cho đá nổi, dầu chìm vẫn không thể được vì bản chất của nó như vậy. Nên vấn đề không ở nơi cầu xin, ước nguyện mà ở sự thực hành, “khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm”.

Nhân quả rất chính xác và minh bạch. Gieo nhân nào thì gặt quả nấy. Muốn có phước báo thì phải làm phước, tích phước, vun bồi cội phước. Cầu xin và cầu nguyện suông không phải là nội dung thực hành của người Phật tử vì không thể mang lại kết quả như ý, do trái ngược với quy luật nhân quả.

Cho nên, người Phật tử chánh tín có cầu nguyện mà không hề cầu xin, vì cầu xin vốn không có cơ sở và không thể được. Sự cầu nguyện chân chính theo Phật giáo cũng không ngoài việc mong được Tam bảo soi sáng và thức tỉnh để thực hành Chánh pháp mà thôi. Thực hành Chánh pháp, cụ thể là Bát chánh đạo mới là cơ sở vững chắc nhất cho việc thành tựu mọi thiện pháp.

Theo phattuvietnam

Phiền Não Là Bồ Ðề



Ðức Phật thấy chúng sanh chịu đựng bốn nỗi khổ to lớn là sanh, già, bệnh, chết, nên Ngài bèn phát tâm xuất gia tu hành, tìm cách giải quyết vấn đề ấy. Trong sự vô minh của chúng ta, phiền não bất giác xuất hiện -khi thì bộc lộ qua sắc tướng, lúc lại tiềm tàng trong tâm trí, và cũng có khi vô minh dấy khởi nên cái gì cũng không biết cả. Hễ vô minh vừa tác oai tác quái là mình trở nên hồ đồ ngay, cho nên phiền não chính là nhân duyên cản trở việc tu Ðạo, là chướng ngại vật trên đường Ðạo.

Song le, chẳng thể không có phiền não! Vì sao? Bởi "phiền não tức là Bồ-đề." Nếu biết vận dụng thì phiền não chính là Bồ-đề, nếu không biết vận dụng thì Bồ-đề biến thành phiền não! Bồ-đề ví như nước và phiền não ví như băng vậy; nước chính là băng, băng chính là nước. Nước và băng vốn cùng một thể chứ chẳng phải là hai thứ khác biệt nhau. Khi giá lạnh thì nước đông lại thành băng và lúc nóng bức thì băng tan thành nước. Vậy, nói một cách khác thì khi có phiền não tức là "nước đóng thành băng," và lúc không phiền não tức là "băng tan thành nước;" lý này rất dễ hiểu. Lại nữa, có phiền não thì có "băng" phiền não -vô minh, và không có phiền não thì có "nước" Bồ-đề -trí huệ. Về điểm này, các bạn hãy thiết thực nhớ lấy, ghi khắc vào lòng! Chúng ta tu Ðạo, chớ nên tu tới tám vạn đại kiếp mà cái phiền não này vẫn cứ tồn tại. Ngày ngày "ăn" phiền não mà sống, nếu không "ăn" phiền não thì chết đói, bởi như thế thì thật là rất đáng thương!

Bệnh tật của chúng ta là từ đâu mà ra? Chính là từ ba cái độc tham, sân, si! Nếu con người không có ba thứ độc này thì bệnh tật gì cũng không có cả. Giới, Ðịnh, Huệ trong Phật Pháp chính là phương thuốc đặc hiệu để trị căn bệnh "tham, sân, si." Thuốc này hiệu nghiệm như thần, "thuốc đến, bệnh đi," nên nói:

Tâm thanh, thủy hiện nguyệt,
Ý định, thiên vô vân.

(Tâm lắng, nước hiện trăng,
Ý dừng, trời không mây.)

Ðó là thứ cảnh giới không còn phiền não. Có câu:

Tâm chỉ niệm tuyệt: chân phú quý,
Tư dục đoạn tận: chân phước điền.

(Tâm dừng, niệm dứt: giàu sang thực,
Tư dục hết sạch là ruộng phước.)

Tâm vọng tưởng dừng hẳn, ý niệm phan duyên không còn, đó đúng là giàu sang thật sự. Nói tóm lại, không tham tức là giàu sang. Vì sao người ta tham lam? Vì họ không "tri túc," nên cảm thấy thiếu thốn, chưa đầy đủ! Không có tư dục chính là ruộng phước, nếu dứt bỏ được mọi ham muốn ích kỷ thì đúng là ruộng phước thật sự. Các bạn hãy đặc biệt lưu ý:

Tâm bình: bách nạn tán,
Ý định: vạn sự kiết.

(Tâm bình lặng, trăm nạn tiêu tan,
Ý an định, muôn sự được kiết tường.)

Câu danh ngôn trên đây rất chí lý và vô cùng hữu ích, đáng cho mọi người lấy làm khuôn vàng thước ngọc.

"Phiền não" là gì? Là "phiền thân não tâm," không được thanh thản, tự tại.

"Ưu" là gì? Ưu có nghĩa là "ưu sầu khổ não," buồn rầu, không vui.

"Hoạnh" là gì? Hoạnh tức là "phi tai hoạnh họa," có nghĩa là tai bay vạ gởi, bất ngờ xảy ra chuyện không may.

Những sự việc này ràng buộc hoặc bức bách các bạn khiến cho các bạn như bị khóa chặt bởi cái "khóa vô minh," bị trói chằng chịt bởi sợi dây phiền não, hoặc có cảm giác nghẹt thở như bị tảng đá lớn đè lên người vậy. Chính vì muốn cho hết thảy chúng sanh dứt bỏ mọi phiền não để đạt sự an vui và xa lìa mọi bức bách hầu đạt sự giải thoát, nên Ðức Phật mới khuyên tất cả chúng sanh nên phát tâm Bồ-đề rộng lớn và tu học công đức cùng đạo hạnh của Phật. Do đó, tất cả chúng sanh chúng ta nên vâng lời Ðức Phật, tin tưởng Ðức Phật, và càng nên y giáo phụng hành hơn nữa!

Tâm phiền não của chúng sanh thì nhiều đến vô lượng vô biên, nhưng nên biết rằng nó giống như các ảo ảnh trông thấy khi bị ánh mặt trời làm hoa mắt (dương diễm) vậy. Chúng sanh điên điên đảo đảoỦlấy thẳng làm cong, lấy cong làm thẳng; lấy đen làm trắng, lấy trắng làm đen; lấy thiện làm ác, lấy ác làm thiệnỦdù giáo hóa thế nào đi nữa thì cũng vẫn cứ chứng nào tật nấy, chướng ngại chồng chất. Nếu nêu ra khuyết điểm của họ, thì chẳng những họ không vui, không chịu sửa sai, không phục thiện, mà còn tìm cách che đậy, biện hộ cho những lỗi lầm của họ, và thậm chí còn nổi đại vô minh, sanh đại phiền não nữa. Chư Bồ Tát trông thấy những chúng sanh như thế thì khởi lòng từ bi thương xót, tận tình dạy bảo, năm lần bảy lượt căn dặn họ đừng nên nói chuyện thị phi, đừng nên sanh phiền não; và còn cho biết rằng nếu họ không nổi nóng, không đố kỵ, không chướng ngại kẻ khác, thì họ sẽ vượt khỏi bể khổ.

Thân người là giả tạm, đừng xem cái "túi da" hôi hám này như báu vật rồi cứ lo nâng niu, chăm sóc, sợ "nó" cực khổ, vất vả. Các bạn muốn cho "nó" được sung sướng, an nhàn, nhưng "nó" lại luôn luôn gây thêm rắc rối, phiền lụy cho các bạn!

HT Tuyên Hóa giảng
(Giảng ngày 03 tháng 5 năm 1983)

Ý nghĩa và tác dụng của lễ bái



HỎI: Xin cho biết tại sao người ta phải lễ bái, phải lạy Phật? Vì sao hình thức lễ bái là một nghi thức thường thấy trong nghi lễ Phật giáo? Tác dụng của lễ bái là gì?

ĐÁP: Lễ bái là một nghi thức tín ngưỡng thường thấy ở một số tôn giáo phương Đông nói chung và trong đó có Phật giáo. Khởi nguyên, lễ bái biểu thị sự phục tùng, tôn kính tuyệt đối đối với các uy lực siêu nhiên, đấng thần linh mà tôi người đang tôn thờ. Dần dần, tuỳ theo sự phát triển của mỗi tôn giáo mà có những ý nghĩa khác nhau trong cách thức lễ bái.

Quan niệm về lễ bái theo Phật giáo hoàn toàn khác biệt với tất cả những quan niệm kể trên. Theo Phật giáo, vì sùng kính ân đức vô lượng, trí tuệ vô biên của chư Phật mà hàng đệ tử Ngài đã biểu lộ sự thành kính ấy qua hình thức lễ bái. Sự lễ bái hoàn toàn không hề mang tính chất hạ thấp phẩm giá của mình như bao nhiêu người lầm tưởng. Bởi vì, phát xuất từ sự nhận thức về nhân cách siêu việt, cao tột của chư Phật, chư vị Bồ tát mà chúng ta thực hành lễ bái. Vì khi lễ bái, chúng ta biểu lộ sự kính trọng của mình qua thân tướng đồng thời lập chí noi theo công hạnh của các Ngài. Trong nhân quả của sự tôn kính “trọng thầy mới được làm thầy”, việc xưng tán công đức chư Phật, chư vị Bồ tát với tâm chân thành, với lòng kính ngưỡng thiết tha, chắc chắn từng bước ta sẽ đạt đến quả vị như các vị ấy. Lễ bái như vậy không phải là một hành động mê tín và là một sự thực tập mầu nhiệm làm tăng trưởng tính thánh thiện, hoàn thiện một nhân cách vĩ đại trong tự thân.

Theo HT.Thích Thanh Từ trong tác phẩm Bước Đầu Học Phật thì “lạy Phật không vì van xin tha tội, không vì cầu mong ban ân, chỉ vì quý kính công đức trí tuệ của Phật nên chúng ta lạy Ngài. Lạy Phật để thấy mình còn thấp thỏi ti tiện, bỏ hết những thói ngạo mạn cống cao. Quý kính gương cao cả của Phật để mình noi theo. Phước đức lạy Phật là ở chỗ đó”.

Mặt khác, lễ Phật vì dẹp bỏ ngã mạn - Bản chất con người chúng ta lúc nào cũng tự cao tự đắc, vênh váo nghênh ngang, xem cái “tôi” của mình là trung tâm vũ trụ. Đó là tánh xấu khiến mọi người chán ghét, xa lánh, làm tiêu mòn công đức. Phật tử ý thức được điều này, kính lạy Phật, Bồ tát và các bậc tôn túc, để diệt trừ tâm ngã mạn của mình. Kính lạy các Ngài vì tự mình thấy mình không sánh kịp các Ngài, biết mình thấp kém thì tánh ngạo mạn từ từ biến mất.

Khi lạy các Ngài, ta không mong một ân sủng nào, chỉ vì một lòng kính trọng đức hạnh cao cả của các Ngài, tự thấy mình hèn hạ, thấp kém, thế là mọi công đức từ đó phát sinh. Kính ngưỡng và quy hướng về Đấng Giác ngộ là biểu hiện của tự thân đã giác ngộ. Bởi đứa ăn trộm thì phục kẻ ăn trộm giỏi, chàng võ sĩ tập tễnh vào nghề thì nể tay võ sĩ vô địch. Ở đây, việc kính trọng Phật, Bồ tát và các bậc tôn túc thì trong ta luôn có hình ảnh của các vị ấy. Chúng ta muốn dẹp bỏ những tánh xấu, thực hành đức hạnh để tự hoàn thiện mình thì kính lễ những bậc đức hạnh là điều cần thiết vậy.

Lễ Phật vì noi gương - Kính lạy Phật, chính vì chúng ta muốn học tập theo gương của Ngài. Chúng ta phải kính lễ để học tập theo Đức Phật. Bởi vì, Phật là bậc toàn giác, đầy đủ mọi công đức, viên mãn trí tuệ và từ bi.

(Theo Phật pháp bách vấn, tập I)
Huyền Ngu - Quảng Tánh