Thứ Tư, 5 tháng 2, 2014

CÚNG SAO GIẢI HẠN, ĐỐT GIẤY TIỀN VÀNG MÃ LÀ ĐÚNG HAY SAI ?



Đốt vàng mã là một tục lệ dân gian, xuất phát từ thời nhà Hán (Trung Quốc). Do nhà vua muốn thực hành lời dạy của Đức Khổng Tử: “Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn”, nghĩa là thờ người chết như thờ người sống, thờ người mất như thờ người còn. Vậy nên khi nhà vua băng hà, chúng thần và hậu cung đã phải bỏ tiền bạc thật vào trong áo quan để vua tiêu dùng. Sau đó quan bắt chước vua, dân bắt chước quan. Ai cũng chôn tiền thật theo người chết thành một tục lệ. Bọn trộm cướp biết vậy nên đào trộm mồ những người giầu có, như mộ vua Hán Văn Đế bị trộm khai quật lấy hết vàng bạc châu báu. Về sau từ quan đến dân thấy việc chôn tiền bạc thật quá tốn kém nên mới nảy sinh ra dùng giấy cắt ra làm tiền giả, vàng giả để thay thế. Chuyện đốt tiền giấy (vàng mã) ra đời từ đó và trở thành tập tục. Tập tục này được du nhập vào Việt Nam theo những người Trung Hoa. Trước khi đốt vàng mã, mỗi người cần suy nghĩ thật kỹ xem tác dụng thực của việc “hoá vàng” đến đâu. Đã là tập tục thì khó bỏ, chỉ trừ có sự đồng thuận của mọi người trong xã hội. Cúng sao hạn là tập tục đã tồn tại lâu đời trong dân gian. Tập tục này có nguồn gốc từ Lão giáo. Sao hạn được tính căn cứ trên học thuyết ngũ hành xung khắc. Theo sự vận chuyển của ngũ hành, mỗi năm có một vì sao chiếu mạng vào một tuổi của từng người. Còn hạn là niên hạn, là cách thức riêng ứng với sao chiếu mạng là tốt hay xấu. Tuy bắt nguồn từ Lão giáo ở Trung Hoa, nhưng tập tục này lại ăn sâu vào quan niệm của người dân Việt và trở thành một tập tục lâu đời của người Việt. Người Việt tin rằng, mỗi năm có một vì sao cai quản, có sao tốt có sao xấu. Nếu gặp sao xấu, người ta phải cúng sao giải hạn để được an lành. Có tất cả chín vì sao chia nhau cai quản con người và tám niên hạn. Chín vì sao là: La Hầu, Thổ Tú, Thủy Diệu, Thái Bạch, Thái Âm, Thái Dương, Kế Đô, Mộc Đức, Vân Hớn. Tám niên hạn là: Huỳnh Tuyền, Tam Kheo, Ngũ Mộ, Thiên Tinh, Toán Tận, Thiên La, Đại Võng, Diêm Vương. Từ Lão giáo qua dân gian rồi đi vào Phật giáo, nhưng ngày nay, tập tục này được xem như tục tập lỗi thời đối với nhà truyền giáo Phật giáo. Đoán sao, đoán hạn và cúng giải sao hạn ngày nay còn diễn ra ở các chùa là sai. Trong kinh Di giáo chương I, Đức Phật dạy: Các vị Tỳ-Khưu, sau khi Tôi nhập-diệt, các vị nên tôn-trọng Ba-La-Đề-Mộc-Xoa, như tối gặp sáng, như người nghèo được của báu. Các vị nên biết giới ấy là bậc Đại-Sư của các vị và không khác gì Tôi còn ở đời vậy. Người giữ giới thanh-tịnh, không được làm những việc như: buôn bán, đổi chác, tạo dựng ruộng nhà, nuôi dưỡng người dân, tôi tớ, súc sinh. Hết thảy sự trồng trọt, các của cải châu báu, đều nên tránh xa, như tránh hầm lửa. Không được chặt phát cây cỏ, đào sới đất đai, điều-hòa thuốc thang, xem tướng tốt xấu, quan sát tinh-tú, suy-đoán đủ thiếu, lịch-số kế-toán, đều không nên làm. Là Phật tử, chúng ta phải thấy những gì lỗi thời lạc hậu, những gì là văn hóa, là nét đẹp của văn hóa dân gian hay văn hóa đạo Phật .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét