Phật giáo quan niệm các sự vật, hiện tượng trong vũ trụ luôn luôn vận động và biến đổi không ngừng theo quy luật Thành - Trụ - Hoại - Không (mỗi sự vật đều có quá trình hình thành, phát triển và tồn tại một thời gian, rồi biến chuyển đi đến huỷ hoại và cuối cùng là tan biến, ví như một làn sóng, khi mới nhô lên gọi là “thành”, khi nhô lên cao nhất gọi là “trụ”, khi hạ dần xuống gọi là “hoại”, đến khi tan rã lại trở về “không”) và đều bị chi phối bởi quy luật nhân - duyên, trong đó nhân là năng lực phát sinh, là mầm để tạo nên quả và duyên là sự hỗ trợ, là phương tiện cho nhân phát sinh, nảy nở. Tuỳ vào sự kết hợp giữa nhân và duyên mà tạo thành các sự vật, hiện tượng khác nhau. Có hay không một hiện tượng, sự vật là do sự kết hợp hay tan rã của nhiều nhân, nhiều duyên. Nhân và duyên cũng không phải tự nhiên có mà nó được tạo ra bởi sự vận động của các sự vật, hiện tượng và quá trình hợp - tan của các nhân - duyên có trước để tạo ra nhân - duyên mới, Phật giáo gọi đó là tính “trùng trùng duyên khởi”.
Về con người, Phật giáo cho rằng cũng không nằm ngoài quy luật: Thành - Trụ - Hoại - Không, hay nói cách khác bất cứ ai cũng phải tuân theo quy luật: Sinh - Trụ - Dị - Diệt (đó là chu trình con người được sinh ra, lớn lên, tồn tại, thay đổi theo thời gian và cuối cùng là diệt vong). Khi con người mất đi thì tinh thần cũng theo đó mà tan biến. Phật giáo không công nhận một linh hồn vĩnh cửu, tách rời thân thể để chuyển từ kiếp này sang kiếp khác.
Phật giáo quan niệm con người được sinh ra không phải là sản phẩm của một đấng tối cao nào đó, càng không phải tự nhiên mà có. Sự xuất hiện của một người là do nhiều nhân, nhiều duyên hội hợp và người đó không còn tồn tại khi nhân duyên tan rã. Nhân - duyên ở đây được Phật giáo khái quát thành một chuỗi 12 nhân duyên (thập nhị nhân duyên), là sợi dây liên tục nối tiếp con người trong vòng sinh tử luân hồi: 1) Vô minh; 2) Hành; 3)Thức; 4) Danh sắc; 5) Lục nhập; 6) Xúc; 7) Thụ; 8) Ái; 9) Thủ; 10) Hữu; 11) Sinh; 12) Lão tử. Trong đó, Vô minh là duyên của "Hành", Hành là duyên của "Thức", Thức là duyên của "Danh sắc", Danh sắc là duyên của "Lục nhập", Lục nhập là duyên của "Xúc", Xúc là duyên của "Thụ", Thụ là duyên của "Ái", Ái là duyên của "Thủ", Thủ là duyên của "Hữu", Hữu là duyên của "Sinh", Sinh là duyên của "Lão tử". Phật giáo cho rằng 12 nhân duyên có quan hệ gắn bó mật thiết với nhau, cái này là quả của cái trước nhưng lại là nhân, là duyên cho cái sau. Trong chuỗi nhân duyên, Phật giáo chú trọng nhấn mạnh tới yếu tố “vô minh”, hiểu theo nghĩa đen là một màn đêm u tối, không có ánh sáng dẫn đường, không biết lối mà đi; hiểu theo nghĩa bóng đó là sự thiếu hiểu biết của con người về thế giới khách quan, về bản chất chân thực của sự vật hiện tượng dẫn tới nhìn nhận thiên kiến, thiển cận, phiến diện, chấp ngã, đề cao cái “Ta”, từ đó dẫn dắt đến hành động sai trái, tạo nên nghiệp xấu, gây nên “nhân” xấu, sinh ra “quả” xấu, làm cho con người phải chịu đau khổ, mãi quẩn quanh trong vòng sinh tử luân hồi. Do đó, để có thể thụ hưởng yên vui, an lạc trong cuộc đời con người phải học tập, lấy trí tuệ làm sự nghiệp (duy tuệ thị nghiệp) để xoá bỏ “vô minh”, tạo ra những nhân, duyên tốt để gieo trồng nên quả ngọt.
Phật giáo quan niệm mọi sự vật luôn luôn biến chuyển, đổi thay, mọi thứ ta có, ta nhìn thấy đều chỉ là vô thường. Vô thường là không thường xuyên, mãi mãi ở trong một trạng thái nhất định mà nó sẽ luôn biến đổi, tồn tại hay không tồn tại, có hay không có đó chỉ là vấn đề thời gian. Khi đầy đủ nhân duyên hội hợp thì sự vật hiện hữu, gọi là "có"; khi nhân duyên tan rã thì sự vật biến diệt, lại trở về là "không". Muôn vật từ nhân duyên mà sinh và cũng do nhân duyên mà diệt. Lý nhân duyên làm cho ta thấy con người là một đấng tạo hoá tự tạo ra đời sống của mình, con người làm chủ đời mình, làm chủ vận mệnh của mình. Cuộc đời con người vui sướng hay phiền não đều do nhân và duyên mà con người tự tạo ra chi phối. Từ cách nhìn nhận đó, Đức Phật khuyên con người sống hướng thiện, thực hiện tâm từ bi, biết yêu thương và chia sẻ, vì hạnh phúc của mọi người và hạnh phúc của mình, sống tự tại an lạc, không cố chấp bám víu vào sự vật, hiện tượng, không bị ảnh hưởng, chi phối bởi sự vô thường của cuộc sống.
___()___
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét