Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2013

NÓNG GIẬN CÓ BA HẠNG NGƯỜI

Hạng người thứ nhất như chữ viết trên đá, hạng người thứ hai như chữ viết trên đất, hạng người thứ ba như chữ viết trên nước.

Sống ở đời, con người luôn vui vẻ, thích thú khi gặp những việc vừa lòng, như ý, và sẽ phản ứng giận dữ khi gặp những điều trái ý nghịch lòng. Tuy nhiên, tùy theo sự huân tập thói quen tốt xấu của mỗi người mà sự biểu lộ cơn giận qua nhiều cấp độ khác nhau.

. Hạng người thứ nhất như chữ viết trên đá, rất dễ nóng giận, lại hay hận thù và nhớ rất dai. Trong lòng người này lúc nào cũng bực tức, khó chịu vì sự chấp trước, bảo thủ nặng nề. Hạng người này rất nguy hiểm vì chỉ cần trái ý, nghịch lòng một chút là đùng đùng nổi giận, thù hằn dai dẳng và sôi sục ý muốn trả thù bất chấp hậu quả. Điều này rất dễ làm tổn hại nhiều người. Vì họ dễ giận, lại giận rất lâu sinh tâm thù hằn, ghét bỏ nên hay nói lời hằn học nặng nề. Họ hay vu khống, hủy nhục người khác và sẵn sàng tìm cách triệt tiêu đối phương bằng bất cứ giá nào.

Nếu họ có quyền cao chức trọng, thì kẻ dưới không khi nào được yên thân nếu lỡ làm điều sai quấy với họ. Khi ta không đủ sức nhiếp phục hạng người này thì tốt nhất nên tránh xa, càng xa càng tốt. Càng gần gũi họ ta càng dễ mang họa vào thân. Cũng như chữ viết đã khắc sâu vào đá, rất khó phai mờ dù bão táp, phong ba mà nét chữ vẫn lồ lộ. Người hay nóng giận, lại thù dai sẽ ghim mãi trong lòng rồi tìm cách trả thù hay triệt tiêu, hủy diệt. Nếu chẳng may họ nắm quyền lực trong tay thì chỉ gây khổ đau cho thiên hạ. Do tham vọng lớn, lại chấp trước, bảo thủ trong lòng nên họ ôm mộng bành trướng bá quyền thiên hạ. Cơn giận của họ gần như không biểu lộ bên ngoài, nên bị đè nén, ghìm gút bên trong thành ra dai dẳng. Ai lỡ đụng vào hạng người này thì khó bề yên thân vì tâm niệm ích kỷ, thù dai khó quên.

. Hạng người thứ hai như chữ viết trên đất ắt thành chữ. Dù sao thì họ cũng đỡ hơn hạng người thứ nhất bởi chữ trên đất thì có thể bôi được. Khi ta nghe ai nói lời trái tai, hay làm tổn thương mà ghim gúc, sôi sục trong lòng thì rất nguy hiểm. Nếu luôn bám víu, dính mắc vào đó sẽ có đấu tranh, nặng thì xô xát, nhẹ thì dùng lời hằn học khó nghe. Hạng người này nếu biết buông xả, lòng không cố chấp thì tâm mát mẻ, dễ dàng cảm thông, bỏ qua mọi việc.

Đã làm người có ai chưa từng một lần nóng giận? Nếu như mau giận mà lại chóng quên, tuy nóng nãy nhưng chỉ vì trực tính thì chuyện qua rồi sẽ không ôm phiền muộn trong lòng. Khi ta lỡ lời làm cho ai buồn thì nên biết hạ mình xin lỗi và cố gắng khắc phục. Cũng giống như chữ viết trên cát, trên đất, chỉ một cơn mưa thoáng qua là bao nhiêu hờn giận đều tan hòa vào hư không, nên thân tâm sẽ nhẹ nhàng, mát mẻ. Tuy nóng giận nhanh mà lại mau nguội lạnh. Hạng người này thật thà, ngay thẳng nên không để bụng. Điều gì không hài lòng, vừa ý thì nói ra liền. Chúng sinh ai cũng thích ngọt ngào, êm diệu nên lòng thì tốt nhưng lại dễ làm người khác tự ái, tổn thương, sinh ra thù hằn, oán ghét.

. Hạng người thứ ba như chữ viết trên nước, dù viết bao nhiêu cũng không thành chữ, nhờ vậy họ sống an vui, hạnh phúc. Nếu lời thế nhân nói đúng thì mình tiếp thu, sửa sai. Lỡ nói không đúng thì mình lắng nghe đặng cảm thông nỗi khổ niềm đau của người khác. Sự không tranh giành, không bực tức, không giận dữ là trường hợp hiếm có ở trên đời; chỉ có các bậc đại Bồ tát đã thành tựu tuệ giác vô ngã mới sống an nhiên, không phiền giận một ai. Bậc Thánh trí luôn như chữ viết trên nước, tuy có mà cũng như không, bởi các ngài đã sống với tính nghe viên thông, nên có tiếng nghe có tiếng, không tiếng nghe không tiếng. Người con Phật trong quá trình tu tâm dưỡng tánh cần phải có sức nhẫn chịu, dùng trí tuệ từ bi để chuyển hóa những thói quen sân hận.

Sự giận dữ thường được biểu hiện qua nhiều góc độ khác nhau. Trước tiên là qua giọng nói với lời lẽ thô tục như quát tháo, nạt nộ, hăm dọa hoặc đâm thọc hay dùng lời đường mật nhằm hạ gục đối thủ bằng nhiều cách khác nhau. Khi cơn giận dữ được biểu hiện qua cử chỉ thì da mặt tái mét, mắt đỏ ngầu, đập phá các thứ để thỏa mãn cơn phẫn nộ. Người giận dữ chẳng khác gì người điên, vì mất bình tĩnh nên không làm chủ bản thân, phát ra lời nói, hành vi, cử chỉ hằn học làm đau lòng người khác.

Nhất là các ông vua thời phong kiến. Vì cho rằng ta là thiên tử, tức là con trời, thay trời hành đạo, nên đặt ra những luật pháp khắc nghiệt nhằm bảo vệ bản ngã và dòng tộc của mình.

Có một ông vua khi mới lên ngai dân tình đã không phục, quan quân nỗi loạn, giặc giã khắp nơi nên tình thế bất an. Vua là người có mưu trí, biết được lòng dân còn quá mê muội, hay tin tưởng trời đất quỷ thần, nên một hôm cho họp bá quan, văn võ để nói rằng đã nằm mộng thấy thiên tử chính thức truyền trao công việc cai trị cùng một cẩm nang trị bình thiên hạ. Để thuận theo ý trời mà giúp dân an cư lạc nghiệp, bá quan phải tìm cho ra thiên chúc thư để công báo toàn dân. Nếu ai trái lệnh sẽ phải bị hành quyết. Bá quan văn võ đều tin theo và cùng nhau tìm kiếm. Họ tìm được quyển sách vàng tuy rất cũ kỹ nhưng mở sách ra hương thơm ngào ngạt nên ai cũng phải tin. Buỗi lễ diễn ra long trọng trước đền vua, từ quan quân cho đến thứ dân đều cùng có mặt để nghe đọc “thiên chúc thư.”

“Vua Tống Chân Tông, mạng thiên tử được xuống trần gian làm nhiệm vụ do trời giao phó, cai trị thiên hạ 200 đời nên muôn dân y theo phụng hành”. Từ đó bá quan văn võ cùng hết thảy thiên hạ đều tin theo, không dám cãi lời. Thực tế, đời Tống bên Trung Hoa trị vì được 60 đời mà thôi. Rõ ràng đây là mưu mẹo của vua Tống Nhân Tông khéo léo bày biện chứ không do ông trời ông đất nào cả. Chúng ta vì nhẹ dạ, cả tin nên không biết phân biệt đúng sai, bị một số quyền chức lợi dụng, áp đặt nhằm dễ bề sai khiến, điều hành.

Ngày nay, nhờ sự tiến bộ của văn minh khoa học, con người khám phá được bầu trời, vũ trụ bao la do nhân duyên hòa hợp mà thành. Tất cả đều theo nguyên lý duyên khởi: “ Cái này có cái kia có, cái này không cái kia không, cái này sinh cái kia sinh, cái này diệt cái kia diệt, không có gì do một nhân mà thành”. Do đó, chế độ phong kiến quân chủ dần bị thay đổi hẳn, thay vào đó là chế độ dân chủ ai có khả năng phục vụ, đóng góp cao cho xã hội thì được quyền nắm cán cân công lý, nhưng tối đa cũng chỉ hai nhiệm kỳ. Điều này nhằm tránh tình trạng làm lâu hóa lão làng, lại trở về thời phong kiến, quân chủ như xưa. Hạng người thứ nhất do chấp trước, nặng nề bám víu, nên sân hận, ác độc, dã man. Họ lợi dụng lòng tin nhẹ dạ khi con người chưa đủ sáng suốt nhận định đúng sai.

Nóng giận là một trạng thái xúc cảm rất phổ biến của con người. Nó là một loại cảm xúc tiêu cực, không lành mạnh và là nguyên nhân gây ra nhiều hệ lụy khổ đau. Sự tức giận có thể biểu hiện dưới những cường độ khác nhau, nói lời mỉa mai, cay cú, hằn học, lớn tiếng chửi mắng, quát tháo nạt nộ rồi tức tối đánh đập, có khi dẫn đến cả tội ác giết người.

Không giận là trường hợp hiếm có ở đời. Khi ai đạt đến vô ngã vị tha thì mới không còn phiền giận. Các bậc thánh trí luôn bình tĩnh an nhiên trước mọi nghịch cảnh nhờ thành tựu trí tuệ, từ bi. Như chữ viết trên nước, tuy có mà cũng như không, chẳng một việc gì có thể lay động tâm tư các Ngài. Người con Phật trong quá trình tu học để chuyển hóa phiền não tham sân si, trước nhất phải biết buông xả các tạp niệm xấu ác, dấn thân gieo trồng phước đức để từng bước chuyển hóa sự nóng giận của mình.



Thích Đạt Ma Phổ
(Cơ quan ngôn luận của Ban Hướng Dẫn Phật Tử Trung Ương)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét